Tỉnh Phú Thọ mới được sắp xếp trên cơ sở hợp nhất tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược tái cấu trúc hành chính và phát triển khu vực. Với tổng diện tích 9.361,38 km², dân số hơn 4.022.638 người sau khi sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới hội tụ nhiều lợi thế về công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, văn hóa và dịch vụ, hướng tới phát triển bền vững.

Sự hợp nhất ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc (cũ) thành tỉnh Phú Thọ mới theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội không chỉ là một quyết sách hành chính đơn thuần mà còn phản ánh tư duy chiến lược trong phát triển vùng. Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy tái cơ cấu không gian phát triển, tỉnh Phú Thọ mới nổi lên như một điểm hội tụ giữa tiềm năng tự nhiên, công nghiệp công nghệ cao và di sản văn hóa. Với vai trò cửa ngõ khu vực Tây Bắc và là mắt xích trong chuỗi kết nối vùng Thủ đô với vùng trung du và miền núi phía Bắc, việc định vị trung tâm hành chính tại Việt Trì giúp tận dụng hạ tầng hiện hữu, đồng thời tạo điều kiện phân bổ lại các chức năng phát triển vùng giữa các khu vực thành phần.

Động lực kinh tế: Cấu trúc tích hợp và tăng trưởng toàn diện

Phân tích động lực tăng trưởng của tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất cho thấy sự bổ sung, hỗ trợ phát triển rõ nét giữa ba địa phương: Hòa Bình giàu tài nguyên tự nhiên; với tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) năm 2024 đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, giàu tiềm năng phát triển kinh tế xanh và dịch vụ trải nghiệm. Bên cạnh đó, Phú Thọ đóng vai trò trung tâm công nghiệp phụ trợ và logistics, nổi bật với GRDP năm 2024 đạt 109,2 nghìn tỷ đồng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ. Với các di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh và hạ tầng logistics , Phú Thọ có thể phát huy vai trò vùng đệm phát triển giữa Hà Nội và khu vực miền núi Tây Bắc. Trong khi đó, Vĩnh Phúc giữ vai trò đầu tàu công nghiệp công nghệ cao với GRDP năm 2024 đạt 173,1 nghìn tỷ đồng[1], cao nhất trong ba địa phương. Ưu thế về sản xuất ô tô, điện tử, công nghiệp hỗ trợ cùng vị trí gần sân bay quốc tế Nội Bài giúp Vĩnh Phúc trở thành trung tâm đổi mới công nghệ của toàn tỉnh hợp nhất.

Cơ cấu này tạo nên một chỉnh thể kinh tế vừa đa dạng, vừa có tính liên kết, bổ trợ lẫn nhau trong chiến lược phát triển chuỗi giá trị khép kín cho tỉnh Phú Thọ mới sau sáp nhập.

Liên kết vùng: Hạ tầng, du lịch và bản sắc văn hóa

Từ góc nhìn kinh tế không gian, việc hợp nhất ba tỉnh đã tạo nên một chỉnh thể vùng có khả năng hội nhập mạnh mẽ với các hành lang phát triển quốc gia. Hạ tầng giao thông liên kết như cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Tuyên Quang - Phú Thọ cùng với các tuyến đường quốc lộ giúp đảm bảo sự thông suốt trong lưu chuyển hàng hóa, du lịch và lao động.

Sự kết nối trong phát triển du lịch không chỉ liên kết các điểm đến trong vùng mà còn là sự tích hợp bản sắc văn hóa đặc trưng: từ Hồ Hòa Bình với du lịch cộng đồng, Đền Hùng với du lịch tâm linh, đến Tam Đảo với du lịch nghỉ dưỡng. Tính liên kết này thúc đẩy khả năng định vị tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất như một “trung tâm du lịch tổng hợp” cấp vùng.

Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa như hát Xoan, Chèo, thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường... không chỉ phục vụ du lịch mà còn củng cố nền tảng đồng thuận xã hội trong quá trình hội nhập văn hóa giữa các cộng đồng địa phương hậu hợp nhất.

Ảnh: Toàn cảnh Công viên Văn Lang, khu vực trung tâm tỉnh Phú Thọ (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)

Mô hình quản trị tỉnh hợp nhất: Linh hoạt - Hiệu lực - Tiết kiệm

Việc thiết lập mô hình chính quyền hai cấp với tinh thần gọn nhẹ, hiệu quả là một nỗ lực chiến lược nhằm cải thiện chất lượng quản trị hành chính tại địa phương. Việc tinh gọn từ 479 xã/phường xuống còn 148 xã/phường sau sáp nhập không chỉ giảm chi phí hành chính mà còn tạo điều kiện cho quản trị tập trung - linh hoạt.

Tuy nhiên, đảm bảo việc chuyển giao chức năng và trách nhiệm không bị gián đoạn, đặc biệt trong bối cảnh mỗi khu vực có truyền thống quản trị và năng lực bộ máy khác nhau, cũng là một thách thức đối với tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập. Chính vì vậy, việc duy trì bộ phận liên thông tại địa bàn Vĩnh Phúc, Hòa Bình (cũ) và tăng cường đào tạo cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) là giải pháp vừa mang tính tình thế, vừa mang tính chiến lược.

Ngoài ra, sự chênh lệch về GRDP bình quân đầu người giữa Vĩnh Phúc (141 triệu đồng), với Phú Thọ (70,7 triệu đồng) và Hòa Bình (81 triệu đồng) cũng đặt ra yêu cầu phân bổ lại nguồn lực và đầu tư ưu tiên cho khu vực yếu thế.

Định hướng phát triển bền vững: Từ tích hợp vùng đến điều phối chính sách

Phát triển bền vững của tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất không chỉ là mục tiêu dài hạn mà còn thể hiện năng lực điều phối chính sách trong thực tiễn. Do đó, quy hoạch không gian vùng cần được tích hợp với các chiến lược tái cơ cấu sản xuất, phát triển đô thị, bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng sống. Trong đó, định hướng tam giác đô thị Việt Trì - Vĩnh Yên - Hòa Bình không chỉ giúp phân bố dân cư và giảm áp lực hạ tầng, mà còn tạo điều kiện hình thành mạng lưới sản xuất - dịch vụ - đổi mới sáng tạo kết nối. Việc đầu tư vào logistics, đào tạo nghề vùng sâu và khuyến khích công nghiệp xanh - khởi nghiệp sáng tạo là những trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.

Đặc biệt, cần quan tâm sâu sắc đến chiến lược nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Trong bối cảnh quản trị hiện đại và số hóa hành chính, việc chuẩn hóa trình độ, đào tạo liên tục về công nghệ, quản trị công, năng lực điều phối vùng và quản lý đổi mới sẽ quyết định hiệu quả thể chế. Cần hình thành hệ sinh thái đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thực tiễn chuyển đổi mô hình địa phương, qua đó xây dựng đội ngũ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và bản lĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, phát triển du lịch văn hóa - sinh thái gắn với bảo tồn bản sắc địa phương là hướng đi phù hợp với năng lực nội sinh của tỉnh, đồng thời tạo nền tảng cho hòa nhập xã hội giữa các cộng đồng địa phương hậu hợp nhất.

Tóm lại, sự hợp nhất ba tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc (cũ) là một bước tiến lớn trong chiến lược tái cơ cấu hành chính và phát triển vùng ở Việt Nam. Việc kết nối ba nền kinh tế có tính chất bổ sung, hình thành một không gian phát triển linh hoạt, có tiềm năng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia và khu vực. Để tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất thực sự trở thành một cực tăng trưởng bền vững ở miền Bắc, cần tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị, điều phối chính sách vùng hiệu quả và bảo đảm tính bao trùm trong phát triển. Chính sự đồng bộ giữa tư duy chiến lược, năng lực thể chế và sự đồng thuận xã hội sẽ quyết định thành công lâu dài của mô hình tỉnh hợp nhất này./.

 

[1] Tô Công, Bức tranh kinh tế của Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình trước sáp nhập, https://laodong.vn/kinh-doanh/buc-tranh-kinh-te-cua-phu-tho-vinh-phuc-hoa-binh-truoc-sap-nhap-1491135.ldo