Thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng trước đây thuộc tỉnh Hậu Giang cũ được thành lập vào năm 1976 sau khi đất nước thống nhất. Đến năm 1991, tỉnh Hậu Giang được đổi tên thành tỉnh Cần Thơ và sau đó lần lượt tách ra các tỉnh Sóc Trăng (1992)[i] và Hậu Giang (2004). Ngày 12/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025; trong đó, sáp nhập thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng thành thành phố Cần Thơ mới nhằm hình thành một đơn vị hành chính mới có quy mô lớn, tạo cực tăng trưởng mạnh mẽ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc hợp nhất ba địa phương là bước đi tất yếu nhằm tạo ra không gian liên kết chặt chẽ về kinh tế, xã hội, văn hóa và hạ tầngnhằm tích hợp tài nguyên, tăng quy mô kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của vùng đồng bằng trong bối cảnh cạnh tranh quốc gia và quốc tế ngày càng khốc liệt, hướng tới xây dựng thành phố Cần Thơ sau hợp nhất trở thành cực tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực Tây Nam Bộ[ii].
Ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Thướng trực Tỉnh ủy Sóc Trăng và Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang
về việc sáp nhập ba địa phương (Nguồn: Báo Lao động)
Theo số liệu năm 2023, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Cần Thơ đạt 119.377 tỷ đồng, gần bằng tổng GRDP của Hậu Giang (59.809 tỷ đồng) và Sóc Trăng (72.472 tỷ đồng) cộng lại[iii]. Tổng GRDP sau hợp nhất sẽ vượt ngưỡng 250.000 tỷ đồng, đưa thành phố Cần Thơ mới trở thành một trong những vùng kinh tế lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về dân số, thành phố Cần Thơ mới sau sáp nhập có quy mô hơn 3,2 triệu dân, tương đương các thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay. Về diện tích, thành phố Cần Thơ mới có diện tích khoảng 7.200 km2, có thể tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị - nông thôn tích hợp, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính[iv]. Với tầm vóc đó, thành phố Cần Thơ sau sáp nhập có thể so sánh với các cực tăng trưởng như Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc thậm chí đóng vai trò tương đương với các khu đô thị trung tâm của tam giác phát triển phía Nam.
Việc hợp nhất không làm mờ nhạt bản sắc từng địa phương mà sẽ là sự hội tụ, bổ sung cho nhau: Cần Thơ là trung tâm vùng với hạ tầng giao thông đô thị hiện đại, đầu mối tài chính, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo; Hậu Giang có thế mạnh công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo và hạ tầng công nghiệp đang tăng tốc; Sóc Trăng nổi bật với kinh tế biển, tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các giá trị văn hóa dân tộc đa dạng, độc đáo. Hợp nhất ba địa phương giúp tích hợp những thế mạnh này vào một quy hoạch tổng thể, phát triển đồng đều, bền vững và lan tỏa ra toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh: Ngã Bảy - nơi hội tụ bảy dòng sông (Nguồn: Báo Thanh niên)
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thành phố Cần Thơ mới sau khi hợp nhất cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn: 1) Khác biệt về cơ cấu kinh tế: Trong khi thành phố Cần Thơ cũ có thế mạnh về dịch vụ và công nghiệp thì hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang vẫn thiên về nông nghiệp; 2) Chênh lệch về thu nhập và hạ tầng: GRDP bình quân đầu người tại thành phố Cần Thơ cũ cao gần gấp đôi hai địa phương còn lại, kéo theo yêu cầu phân bổ lại nguồn lực đầu tư; 3) Bộ máy hành chính và thể chế quản lý: Việc hợp nhất cần kèm theo cải cách thể chế, cơ chế điều phối vùng và sự phối hợp hài hòa giữa các sở, ngành để thành phố Cần Thơ mới “không chỉ là phép cộng đơn thuần. Đó phải là một cấu trúc được tái thiết kế dựa trên nguyên tắc hiệu quả, hội nhập và bền vững”[v].
Thành phố Cần Thơ mới sau khi sáp nhập cần tập trung vào bốn đột phá chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “siêu đô thị” tại vùng Đồng bằng sông Cứu Long:
Một là, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại: Trong đó, dự án cảng biển Trần Đề cần được đầu tư để trở thành cửa ngõ xuất - nhập khẩu của toàn vùng; kết nối hiệu quả với các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, An Giang - Cần Thơ và quốc lộ 60. Sân bay quốc tế Cần Thơ cần được nâng cấp thành trung tâm logistics hàng không của vùng. Đồng thời, đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ trung bình nối thành phố Hồ Chí Minh – thành phố Cần Thơ - Cà Mau.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và hội nhập: Cần xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực cho toàn thành phố mới, dựa trên nền tảng các trường đại học lớn tại Cần Thơ như Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược, Đại học Kỹ thuật Công nghệ… Khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp.
Ba là, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chính: Cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, hình thành các quỹ khởi nghiệp sáng tạo, ưu đãi thuế và quy hoạch các khu công nghiệp liên kết vùng.
Bốn là, cải cách thể chế và mô hình quản lý hành chính: Xây dựng mô hình chính quyền số, giảm tầng nấc trung gian, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm giải trình. Thể chế điều phối vùng cần thiết kế theo nguyên tắc “một trung tâm - nhiều động lực” để bảo đảm hiệu quả điều hành.
Việc hợp nhất ba địa phương không chỉ là sự sắp xếp lại đơn vị hành chính, mà quan trọng hơn là định hình một cấu trúc phát triển vùng bền vững, tích hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa nông nghiệp và công nghiệp - dịch vụ, giữa văn hóa bản địa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và suy giảm tài nguyên đang đặt ra thách thức sống còn cho Đồng bằng sông Cửu Long, một “siêu thành phố” mang tính chiến lược sẽ là lời giải cho bài toán phát triển không chỉ của khu vực, mà của cả quốc gia.
Chủ trương hợp nhất Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng là bước đi tất yếu trong quá trình đổi mới mô hình phát triển vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo dựng một cực tăng trưởng mới ở phía Tây Nam Bộ. Tuy còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Trung ương, sự đồng thuận của các địa phương và niềm tin của nhân dân, việc hình thành một “siêu thành phố” mang tầm vóc chiến lược là hoàn toàn khả thi. Đây là một biểu tượng mới của thời đại, nơi phát triển không chỉ dựa vào tài nguyên, mà trên nền tảng tri thức, sáng tạo và hội nhập toàn cầu./.
[i] Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ (2002), Dư địa chí Cần Thơ, Nxb Cần Thơ, tr.15.
[ii] Theo Báo Nhân dân điện tử < https://nhandan.vn/special/Phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-tai-buoi-lam-viec-voi-Ban-Thuong-vu-Can-Tho-Thuong-truc-Soc-Trang-va-Hau-Giang/index.html>
[iii] Theo Báo cáo của Cục thống kê thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng năm 2024.
[iv] Theo Báo cáo của Cục thống kê thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng năm 2024.
[v] Theo Báo Nhân dân điện tử < https://nhandan.vn/special/Phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-tai-buoi-lam-viec-voi-Ban-Thuong-vu-Can-Tho-Thuong-truc-Soc-Trang-va-Hau-Giang/index.html>.