Sau khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất giảm thuế quan xuống 0% với hàng hóa công nghiệp Mỹ để tránh một cuộc chiến thương mại giữa hai bên, Tổng thống Donald Trump cho rằng như vậy là chưa đủ. Ông chủ Nhà Trắng nói để không bị Washington áp thuế, EU phải giải quyết thặng dư thương mại bằng cách mua 350 tỷ USD sản phẩm năng lượng từ Mỹ.
Số tiền này gần bằng tổng giá trị dầu khí nhập khẩu của EU trong năm ngoái và nếu đề xuất được thực hiện, nó sẽ biến Mỹ thành nhà cung cấp năng lượng số một cho châu Âu. "Họ phải mua năng lượng của chúng tôi, bởi họ cần nó", ông Trump nói.
Ông Trump ngày 9/4 thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có EU, trong 90 ngày để các bên đàm phán thỏa thuận với Mỹ. EU là một trong những đối tác lớn nhất của Mỹ và cũng ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng mua thêm năng lượng từ Washington.
Những cam kết như vậy từng là một phần thỏa thuận mà EU đạt được năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Nhưng tình hình hiện tại đã khác so với 7 năm trước. Trong vài năm qua, liên minh đã tăng mua năng lượng Mỹ và hiện khó có nhu cầu mua thêm.
"Khả năng EU mua thêm năng lượng từ Mỹ để được giảm thuế là viển vông", Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức Bruegel ở Bỉ, nói.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng sau khi công bố các biện pháp thuế mới hôm 2/4. Ảnh: AP
Khối đã nhập khẩu khoảng 420 tỷ USD dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá từ nhiều quốc gia trong năm ngoái, gồm cả một lượng lớn từ Mỹ. Nếu phải mua 350 tỷ USD năng lượng Mỹ, EU sẽ phải chấm dứt hợp đồng với hầu hết các nhà cung cấp khác như Na Uy, các nước Bắc Phi và Trung Đông.
Hiện chưa rõ ông Trump tính toán con số 350 tỷ USD trên cơ sở nào, vì các chuyên gia cho hay thặng dư thương mại của EU với Mỹ năm ngoái là 237 tỷ USD.
Châu Âu gần đây trở nên cảnh giác với ý tưởng phụ thuộc vào một nguồn cung năng lượng duy nhất, như những gì từng xảy ra với Nga trước xung đột Ukraine. Hiện nay, nguồn cung năng lượng của EU đến từ nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, không quốc gia nào chiếm hơn 20% tổng lượng nhập khẩu dầu hoặc khí đốt tự nhiên của khối.
"Điều quan trọng đối với EU là tiếp tục duy trì nguồn cung năng lượng đa dạng. Chúng tôi muốn tránh phụ thuộc quá mức vào một nhà cung cấp nào. Chúng tôi đã có bài học quá lớn cho điều này", Anna-Kaisa Itkonen, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, nói.
Về khí đốt tự nhiên, EU phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà sản xuất láng giềng hơn là nhập từ Mỹ, nơi khí đốt sẽ phải hóa lỏng để vận chuyển bằng những con tàu đặc biệt qua Đại Tây Dương. Bên cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU là Na Uy, thành viên NATO có mạng lưới đường ống dẫn khí đốt cho lục địa. Ngoài ra, EU cũng nhập khẩu từ Algeria, quốc gia sản xuất khí đốt lớn có ba đường ống kết nối với châu Âu cùng đội tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn.
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho một thỏa thuận mua bán năng lượng khiêm tốn hơn giữa Mỹ và châu Âu. Khối có thể mua LNG từ Mỹ để thay thế lượng mà họ vẫn phải nhập khẩu từ Nga, theo Itkonen. Năm ngoái, con số này là 7,2 tỷ USD, chiếm 16% tổng lượng LNG nhập khẩu của EU.
EU hiện mua nhiều dầu và khí đốt từ Mỹ hơn giai đoạn trước xung đột Ukraine - Nga. Năm 2024, Mỹ cung cấp khoảng 16% lượng dầu nhập khẩu và 45% lượng LNG cho châu Âu.
Trong ngắn hạn, châu Âu cần có nguồn cung năng lượng lớn hơn. Mùa đông lạnh giá vừa qua đã khiến kho dự trữ khí đốt tự nhiên của họ giảm xuống dưới mức trung bình. EU yêu cầu các nước thành viên phải làm đầy kho dự trữ, hiện ở mức 35%, lên 90% vào ngày 1/12. Khối đang tranh luận liệu có cho phép các nước có thể xê dịch 10% so với mục tiêu hay không.
Giới quan sát chỉ ra có những hạn chế khiến EU khó có thể nhanh chóng tăng thêm lượng nhập khẩu từ Mỹ. Các nhà kho chứa LNG của Mỹ, nơi khí đốt tự nhiên được làm lạnh nhanh và đưa lên tàu, hiện đã hoạt động hết công suất. Trong khi đó, các công ty châu Âu vẫn ngần ngại ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp Mỹ, vì mục tiêu của khối là giảm mạnh mức tiêu thụ khí đốt để giảm phát thải khí nhà kính.
Châu Âu không phải là thị trường có tiềm năng tăng trưởng cho nhiên liệu hóa thạch, theo chuyên gia. Lượng dầu khí nhập khẩu đã giảm dần trong các năm qua, một phần do khối thúc đẩy điện mặt trời và điện gió, cũng như do tăng trưởng kinh tế đình trệ và một số nhà máy tiêu thụ nhiều năng lượng phải đóng cửa vì giá nhiên liệu tăng vọt năm 2022.
Khối năm ngoái sử dụng ít hơn 20% lượng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện so với năm 2019, theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu môi trường Ember. Điện mặt trời và điện gió chiếm 28% tổng lượng điện được tạo ra ở EU năm ngoái, trong khi lượng sản xuất từ khí đốt và than chiếm 26%.

Một cơ sở lưu trữ khí đốt ở Lubmin, Đức hồi tháng 3/2022. Ảnh: Reuters
Một trở ngại khác là EU không thể gây sức ép buộc các công ty thay đổi nhanh chóng nguồn nhập khẩu. Các giao dịch năng lượng tại EU chủ yếu do các công ty tư nhân thực hiện theo nhu cầu của người tiêu dùng và giá thị trường. Nhiều công ty đã ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp từ Na Uy, Qatar, Algeria, Arab Saudi và nhiều nước khác. Việc hủy hợp đồng trước hạn có thể khiến họ phải chịu các khoản phạt và đối mặt kiện tụng.
"Các công ty được tự do quyết định mua dầu khí từ đâu và EU không thể ép buộc họ thực hiện bất kỳ giao dịch mua chung nào", Tagliapietra nói.
Dù đề xuất 350 tỷ USD năng lượng của ông Trump được đánh giá khó thành công, Tamas Pletser, nhà phân tích về dầu khí tại công ty đầu tư Erste Investment, nói rằng Mỹ có thể coi nó như một lá bài mặc cả. Pletser cho hay chính quyền ông Trump có thể đề nghị EU giảm thuế với ôtô để bỏ qua việc tăng mua dầu khí từ Mỹ.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng EU cũng có thể phải cân nhắc các nhượng bộ khác như tăng mua nông sản Mỹ và giảm các rào cản thương mại phi thuế quan, gồm thuế với các công ty công nghệ lớn của Mỹ hay quy định về an toàn thực phẩm khắt khe đối với sản phẩm nhập khẩu.
Nhà nghiên cứu về năng lượng Francesco Sassi lưu ý con số 350 tỷ USD mà Nhà Trắng đưa ra có thể ngầm ám chỉ đến thỏa thuận mua bán dầu khí trong thời gian dài và khiến EU phải phụ thuộc năng lượng vào Mỹ. Tuy nhiên, ông cho rằng giữa lúc các đồng minh ngày càng cảm thấy mất niềm tin trước sự khó đoán của chính quyền ông Trump, triển vọng ký thỏa thuận sẽ "khó khăn hơn những gì Nhà Trắng kỳ vọng".