Nhận thức rõ chuyển đổi số (CĐS) là bước phát triển tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, ngày 26/05/2022, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam năm 2025 định hướng đến năm 2030 để lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời, triển khai thực hiện 36 nhiệm vụ thuộc 12 nhóm theo hướng dẫn tại Công văn số 6074/BTTTT-CĐSQG, ngày 6/12/2023 của Bộ Thông tin &Truyền thông; thực hiện hiệu quả 44 mô hình điểm và các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đã chỉ đạo xây dựng hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; xây dựng các chuyên trang thông tin tiện tử về CĐS trên cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam, Báo Hà Nam (trên cả báo in và báo điện tử) và chuyên mục Hỏi đáp giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh... Tổ chức tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của CĐS tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2024, tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn về CĐS dành cho cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức bồi dưỡng về CĐS bằng hình thức trực tuyến cho 679 cán bộ chủ chốt, cán bộ nguồn xã, phường, thị trấn.
Các đồng chí cán bộ chủ chốt tỉnh Hà Nam dự Hội nghị tập huấn về chuyển đổi số tại Học viện Viettel.
(Nguồn: baohanam.com.vn)
Thực hiện phương châm: Công dân, doanh nghiệp là trung tâm để CĐS và phát triển dịch vụ thông minh, ứng dụng nền tảng công dân số, xã hội số, trên cơ sở Nghị quyết số 24-NQ/TU, các ban ngành của tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, chủ trì triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung đến cấp huyện, cấp xã theo hình thức thuê dịch vụ; đầu tư thiết bị cần thiết như: Thiết bị truyền thanh thông minh; bảng tin điện tử công cộng; số hóa, cập nhật dữ liệu vào các hệ thống thông tin dùng chung; nâng cao hiệu quả của tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số; nhất là việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.
Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, ứng dụng các nền tảng số phục vụ công tác quản lý, điều hành, gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia; 100% các xã, phường, thị trấn đều có đường truyền cáp quang, mạng toàn cầu (Internet) cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 95% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai, hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã (109 tổ với 555 thành viên) và 686 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 3.430 thành viên.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam và Cục Chuyển đổi số ấn nút khai trương Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Hà Nam
(Nguồn: baohanam.com.vn)
Trong lĩnh vực hành chính công và phát triển chính quyền số, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến huyện, tỉnh, Trung ương. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Hà Nam đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình, cung cấp tất cả các dịch vụ công, cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết và kết quả giải quyết. Hệ thống cung cấp tổng số 1.736 bộ thủ tục hành chính. Trong đó: 1.172 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 489 dịch vụ công trực tuyến một phần và 75 dịch vụ công khác. Hà Nam luôn nằm trong top đầu những địa phương, cơ quan có chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ đạt cao theo Quyết định số 766/QĐ-TTg, ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Về kinh tế, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từng bước tiếp cận, áp dụng các giải pháp số hóa trong tổ chức quản lý, sản xuất và kinh doanh, phát triển kinh tế. Hiện nay, Hà Nam có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 20% DNNVV được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 15% DNNVV được trải nghiệm các nền tảng số; 15% DNNVV ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 15% DNNVV có trang thông tin điện tử (website) để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, phấn đấu đưa Hà Nam nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về CĐS vào năm 2025.
Dây chuyền lắp ráp máy tính tự động hóa tại Công ty Wistron Hà Nam (khu công nghiệp Đồng Văn III).
(Nguồn: hanam.gov.vn)
Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, gia tăng việc kết nối thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh; thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân. Hiện nay, Hà Nam triển khai 2 sàn thương mại điện tử chính (buudien.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; sàn thương mại điện tử Hà Nam của Sở Công Thương) với 92.811 tài khoản hoạt động; gần 70 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn; gần 90 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; có trên 3.300 sản phẩm được đưa lên sàn. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại; các hình thức thanh toán trực tuyến ở các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính... được triển khai rộng rãi. Số lượng tài khoản giao dịch của cá nhân và tổ chức mở tại các tổ chức tín dụng hơn 1,1 triệu tài khoản. Tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông ước tính khoảng 60%.
Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, tỉnh đã tiên phong trong việc triển khai các giải pháp học tập trực tuyến, xây dựng hệ thống quản lý giáo dục thông minh cũng như số hóa hồ sơ y tế và ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh. Đồng thời, hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh cũng được nâng cấp, với mạng lưới viễn thông hiện đại và cơ sở dữ liệu được xây dựng bài bản, tạo nền tảng vững chắc cho các ứng dụng số hóa.
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được tăng cường. Các đô thị thông minh đang dần hình thành và từng bước hoàn thiện. Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh được coi là những “bộ não số” của tỉnh. Tỉnh Hà Nam hiện đang triển khai kiểm thử cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID).
Những kết quả nổi bật trên đây không chỉ thúc đẩy tăng trưởng nội tại mà còn tạo nền tảng vững chắc để Hà Nam vươn xa, trở thành một trong những địa phương điển hình về CĐS tại Việt Nam.