Những kết quả quan trọng
Những năm đầu Đổi mới, nền kinh tế tỉnh Hòa Bình chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất thấp và cơ sở hạ tầng kém phát triển. Với các chính sách đúng đắn, tỉnh đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 1990, nông nghiệp chiếm hơn 70% GRDP của tỉnh, đến năm 2024, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đạt 43,91%, dịch vụ chiếm 31,05% và nông - lâm - thủy sản còn 20,47%, thuế sản phẩm 4,5%. Cơ cấu lao động của tỉnh chuyển từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ tăng lên, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 20,47%; công nghiệp - xây dựng 43,91%; dịch vụ 31,05%; thuế sản phẩm 4,5%; số lao động qua đào tạo năm 2024 đạt trên 58%.
Thành phố Hòa Bình mang diện mạo đô thị hiện đại, văn minh
(Nguồn: baohoabinh.com.vn)
Công cuộc đổi mới đã giúp tỉnh mở cửa mạnh mẽ thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế. Từ chỉ có một vài doanh nghiệp nhà nước trong những năm 1980, đến năm 2024, toàn tỉnh có 4.890 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 95.000 tỷ đồng; khoảng 5.355 doanh nghiệp, 672 hợp tác xã; 770 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 291.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh từ 63 triệu USD năm 2011 lên hơn 1.032 triệu USD vào năm 2020, và đến năm 2024 đã đạt mức 2.000,5 triệu USD.
Năm 1990, chỉ khoảng 15% dân số trong tỉnh được sử dụng điện, vùng nông thôn hầu như chưa có điện, chủ yếu là đường đất, rất nhiều xã chưa có đường ô tô vào đến trung tâm xã. Đến nay, cơ sở hạ tầng của tỉnh đã có thay đổi lớn, nhiều tuyến giao thông trọng điểm, quy mô lớn đã được khởi công, xây dựng như: Đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội... Năm 2025, trên địa bàn tỉnh có khoảng 11.162 km đường bộ, gần 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với nguồn điện ổn định. Tỉnh có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình 85% và 8 khu công nghiệp khác đang trong giai đoạn quy hoạch, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lượng khách du lịch năm 2024 đạt 4.5 triệu lượt, trong đó có 534 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.784 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Yên Quang (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: ITN
(Nguồn: daibieunhandan.vn)
Những chuyển đổi về cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng kỹ thuật đã giúp kinh tế của tỉnh tăng trưởng ổn định: Giai đoạn 1991-1995, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,8%/năm. Giai đoạn 2006-2010 đạt 12,14%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt 6,9%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 7,59%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt 6,64%/năm. Thu ngân sách của tỉnh tăng mạnh từ mức 500 tỷ đồng vào năm 2000, tăng lên 2.409 tỷ đồng năm 2011, đạt 3.734 tỷ đồng vào năm 2015 và đến năm 2024 đạt 7.310 tỷ đồng. Kinh tế phát triển đã giúp nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo bền vững và giải quyết các vấn đề xã hội, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 1990 chỉ đạt khoảng 1,5 triệu đồng/năm, đến năm 2024 tăng lên 87,91 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ mức cao trên 50% năm 1990 đã giảm còn 6,77% vào năm 2024. Các chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ người có công, trợ cấp xã hội được thực hiện hiệu quả, với trên 95% dân số có bảo hiểm y tế.
Thu hoạch cam Cao Phong - đặc sản của tỉnh Hòa Bình đã được chỉ dẫn địa lý từ năm 2014 với các đặc điểm nổi trội là độ ngọt cao, mùi thơm đặc trưng, vị đậm, mọng nước
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)
Đến năm 2024, hơn 85% số xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa, giáo dục, y tế từng bước được quan tâm chú trọng nâng cao về mọi mặt đáp ứng tốt yêu cầu phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao trình độ dân trí và chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng sự phát triển của tỉnh chưa đồng đều giữa các khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, tỉnh cần tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý hành chính, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, gắn kết giáo dục với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển hạ tầng giao thông và công nghiệp để thu hút đầu tư và tạo việc làm, kết nối hiệu quả với các khu vực kinh tế trọng điểm của miền Bắc.
Chú trọng hơn nữa triển khai các chính sách phát triển xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ rừng đầu nguồn; phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử của tỉnh, bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.