Doanh nhân có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng sự tham gia của họ vào quản trị nhà nước còn hạn chế. Việc tạo cơ chế để doanh nhân góp sức hoạch định chính sách, quản lý đất nước đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tại phiên chất vấn chiều 19/6, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị làm rõ cơ sở và giải pháp cụ thể để doanh nhân có thể tham gia quản trị quốc gia một cách thực chất. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, cần ưu tiên phát huy vai trò của doanh nhân trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển đất nước.

hoan thien co che phap ly de doanh nhan tham gia tu van, quan ly nha nuoc. hinh anh 1
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)        Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nhân Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều doanh nhân tiêu biểu đã được tín nhiệm, giới thiệu vào các vị trí trong cơ quan dân cử và tổ chức chính trị.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, mức độ tham gia của doanh nhân vào hệ thống chính trị hiện nay vẫn còn hạn chế. Trước thực tế đó, Bộ Chính trị đã có chủ trương huy động đội ngũ doanh nhân xuất sắc, có tâm và có tầm, tham gia đóng góp vào công tác quản lý, điều hành đất nước.

hoan thien co che phap ly de doanh nhan tham gia tu van, quan ly nha nuoc. hinh anh 2
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Về các giải pháp cụ thể, Bộ trưởng đề xuất: Hoàn thiện cơ chế pháp lý thuận lợi để doanh nhân có thể đảm nhiệm các vị trí tư vấn, quản lý trong bộ máy nhà nước hoặc ứng cử vào các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Tăng cường đối thoại và phản biện chính sách, tạo điều kiện cho doanh nhân tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng và thực thi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nhân cũng cần nâng cao trình độ, giữ gìn đạo đức kinh doanh, thượng tôn pháp luật, đồng thời xây dựng uy tín để đủ điều kiện tham gia vào hệ thống chính trị một cách bền vững.

Việc thu hút doanh nhân vào quản trị quốc gia không chỉ là một bước đi phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, mà còn góp phần kết nối giữa tư duy thị trường và tư duy quản lý nhà nước, từ đó nâng cao chất lượng điều hành, hoạch định chính sách và phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.

Vân Hồng/VOV.VN