1. Khởi nghĩa Phan Đình Phùng - khát vọng độc lập, tự do
Phan Đình Phùng (1847-1895), người làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là xã Châu Phong, huyện Đức Thọ, tĩnh Hà Tĩnh. Ông đậu cử nhân năm 1876, đậu tiến sĩ năm 1877. Trước khi trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, ông đã làm Tri huyện Yên Khánh, Ninh Bình, rồi làm ngự sử trong Viện Đô sát triều đình Huế.
Trước tình cảnh nước mất, nhà tan, với truyền thống bất khuất của quê hương và sự thẳng thắn, cương trực trong tính cách đã giúp Phan Đình Phùng xác định được trách nhiệm và chỗ đứng của mình trong cuộc chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược, đó là kiên quyết đứng về phía phe chủ chiến. Bỏ qua xung đột cá nhân giữa ông và Tôn Thất Thuyết, cuối năm 1885, ông lên sơn phòng Hà Tĩnh yết kiến vua Hàm Nghi và được phong làm Tán lý quân vụ, thống lĩnh các đạo nghĩa binh, nhận chiếu Cần Vương về quê nhà tổ chức khởi nghĩa.
Khát vọng giải phóng dân tộc thể hiện trong câu nói khảng khái của Phan Đình Phùng khi thực dân Pháp đặt ông trước sự lựa chọn: hoặc là buông súng đầu hàng để họ hàng, làng xóm, mồ mả tổ tiên được bình yên, người anh thoát nạn; hoặc tiếp tục chiến đấu thì mọi thứ sẽ mất, ông bình tĩnh trả lời: “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ, đó là đất Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to, đang bị nguy vong, là cả mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về sửa sang phần mộ của mình thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ chỉ có một cái chết mà thôi…”[1].
Phan Đình Phùng đã đặt vận mệnh đất nước, đặt tư tưởng trung với vua lên trên họ hàng, làng xóm, chấp nhận sự hy sinh riêng tư để thực hiện nghiệp lớn. Trước hành động kiên quyết đó của ông, kẻ thù đã thực hiện hành động tàn bạo, vô nhân đạo: đào mồ mả tổ tiên và hãm hại người anh của ông. Nhưng Phan Đình Phùng vẫn không nao núng, kiên quyết chiến đấu đến cùng dưới ngọn cờ Cần Vương.
Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt. Một lần nữa, Phan Đình Phùng phải trải qua một thử thách ghê gớm đối với một nhà nho: tiếp tục chiến đấu khi không còn vua hay lấy cái chết của mình làm rạng danh sự trung thành của bề tôi đối với vua. Nếu như ở giai đoạn trước, trong quan niệm chữ “Trung” của ông, vua gắn với nước, thì đến đây đã có sự chuyển biến căn bản - Nước đã được đặt lên trên Vua. Ông đã chọn con đường tiếp tục chiến đấu để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc. Đó cũng chính là thời điểm mở đầu giai đoạn hai của phong trào Cần Vương và của cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo.
Thái độ và hành động kiên quyết của người thủ lĩnh Phan Đình Phùng nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc đã thu phục các phong trào chống Pháp trên địa bàn Hà Tĩnh và ở 4 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) quy tụ cùng ông thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc.
Khởi nghĩa Phan Đình Phùng tuy không khởi phát ở Vũ Quang, nhưng phần lớn thời gian và những chiến tích vang dội nhất của nghĩa quân lại gắn liền với vùng đất này. Nhân dân Vũ Quang đã có những đóng góp rất to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng.
Không chỉ góp công sức để xây dựng căn cứ, nhân dân Vũ Quang có đóng góp quan trọng trong việc tiếp tế lương thực nuôi quân và sản xuất vũ khí trang bị cho nghĩa quân, che chở cho lãnh đạo và binh lính trong những ngày khởi nghĩa. Đặc biệt, với tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, nhân dân Vũ Quang đã hăng hái gia nhập nghĩa quân, trực tiếp tham gia chiến đấu.
Sự hăng hái tòng quân của nhân dân vùng đất Vũ Quang và của nhân dân các tỉnh miền Trung là nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển mạnh mẽ của nghĩa quân Phan Đình Phùng trong những năm 1885 - 1896. Chính kẻ thù cũng phải công nhận: “Cuộc phiến loạn do Phan Đình Phùng cầm đầu đã lan tràn rất nhanh và có thanh thế rất lớn… So với cuộc phiến loạn của Phan Đình Phùng thì những quân phiến loạn nổi lên trước đó thật chưa thấm vào đâu”[2]. Cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng thực sự là cuộc khởi nghĩa dựa vào dân, cuộc khởi nghĩa của nhân dân, quy tụ được sức mạnh của nhân dân để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc.
Khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc là ngọn cờ quy tụ mọi người dân trên mảnh đất Vũ Quang cùng đồng hành với thủ lĩnh Phan Đình Phùng khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Mặc dù thất bại, song khởi nghĩa Phan Đình Phùng là viên gạch đặt nền cho các thế hệ yêu nước Việt Nam sau này tiếp tục hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do trong bối cảnh mới.
2. Khát vọng xây dựng quê hương Vũ Quang giàu mạnh, văn minh
Từ mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời xác định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội đã đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam, đó là giành lại độc lập dân tộc và đưa lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Nhân dân Vũ Quang theo tiếng gọi của Đảng, đồng hành cùng Đảng và dân tộc viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, quê hương.
Tiếp nối truyền thống, từ hào khí của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng đến hôm nay - trong công cuộc đổi mới, đặc biệt là hơn 20 năm kể từ ngày thành lập huyện Vũ Quang (2000-2022), với khí thế mới, tâm thế mới - nhân dân Vũ Quang dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện đã làm nên dấu ấn Vũ Quang của thời kỳ mới.
Phố núi Vũ Quang hôm nay
(ảnh: vuquang.hatinh.gov.vn)
Đi qua thời lam lũ khó khăn, nắng hạn mưa giông, thiên tai mưa lũ triền miên, triệt để tận dụng và khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng đất sơn thủy hữu tình, đến nay Vũ Quang trở thành huyện miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao - những thành quả to lớn, đáng tự hào.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 45,41 triệu đồng, tăng gần 5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo chung giảm còn 3,12%[3]. Những con số đầy ấn tượng thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu và ghi nhận sự quyết tâm, nhiệt huyết và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Vũ Quang trong việc hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Vũ Quang giàu đẹp, văn minh, đưa lại hạnh phúc, ấm no cho người dân.
Đến Vũ Quang hôm nay, những đổi thay trên vùng đất vốn nổi tiếng với sương mù, ẩm ướt, một thời là căn cứ khởi nghĩa,với những dấu ấn nổi bật: những con đường rộng, dài nối giữa vùng quê yên bình với các tuyến trong và ngoài tỉnh là hệ thống giao thông thuận lợi, đường Hồ Chí Minh, đường sắt gắn kết, đồng thời là huyết mạch giao thông với nước bạn Lào và Thái Lan, đang là điểm đến của các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với tâm linh; là tiềm năng lợi thế rừng và đất rừng, khai thác lợi thế vườn quốc gia Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi; là cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo sinh khí mới trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khai thác tiềm năng đất đai, lao động trên địa bàn; là những đặc sản như: Chè Phúc Thọ Điền, mật ong rừng, mật mía đồi Sơn Thọ, vị ngọt của cam chanh, cam bù; Vũ Quang trở thành vựa cam đặc sản của Hà Tĩnh, mỗi năm cho nguồn thu 450 tỷ đồng…
Lễ hội khinh khí cầu tại đập thủy lợi Ngàn Trươi (Huyện Vũ Quang) với chủ đề "Cuộc dạo chơi của sao la - Kỳ lân Châu Á” và "Vườn quốc gia Vũ Quang - Ngôi nhà của Sao La” chào mừng SEA Games 31.
(ảnh: internet)
Để tiếp tục hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Vũ Quang giàu đẹp, văn minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vũ Quang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đồng trí, đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, phát huy hào khí của cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng trong khí thế mới, vận hội mới. Mà trước hết, thể hiện ở vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo để đưa Vũ Quang phát triển.
Ý chí, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên với khát vọng xây dựng quê hương Vũ Quang giàu mạnh trở thành mạch nguồn, động lực, sức mạnh để hội tụ mọi người dân Vũ Quang trên địa bàn huyện, người dân Vũ Quang trong tỉnh Hà Tĩnh, người dân Vũ Quang trong cả nước và cả người dân Vũ Quang ở nước ngoài - hướng về, trở về đồng hành cùng xây dựng quê hương.
Khát vọng xây dựng Vũ Quang giàu đẹp, văn minh đang dần hiện thực trên mảnh đất quê hương, càng có ý nghĩa hơn khi huyện Vũ Quang đang hướng tới Kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng (6/6/1847-6/6/2022), một dịp để thế hệ hôm nay trân trọng tỏ bày sự tri ân đối với các thế hệ cha ông.
[1] Đào Trinh Nhất: Phan Đình Phùng, Tân Việt xuất bản, 1957, tr.20
[2] Dẫn theo Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1961, tr. 281.
[3] Huyện ủy Vũ Quang, Báo cáo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, tr.12