Đầu tư công luôn được xem là “đòn bẩy” quan trọng hàng đầu trong việc cải thiện đà tăng trưởng của nền kinh tế. Để tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức trên 8%, tới thời điểm này, khi năm 2025 đã đi được non nửa chặng đường, thì việc làm thế nào để giải ngân đầu tư công đạt 100% đang là mệnh lệnh hết sức bức thiết.

Theo các chuyên gia, đầu tư công không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là “đòn bẩy” quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đảm bảo sự phát triển bền vững. Với riêng năm 2025, việc giải ngân nhanh chóng và hiệu quả vốn đầu tư công sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Cụ thể, để đạt tăng trưởng 8% và tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030 với mục tiêu hai chữ số, chuyên gia khuyến nghị Chính phủ ưu tiên: Hoàn thiện thể chế cho doanh nghiệp tư nhân, giảm phân biệt đối xử với DNNN; Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và khoa học công nghệ; Cải thiện chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao năng suất lao động; Hạn chế sử dụng chính sách tiền tệ một cách quá mức, tránh rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính và đặc biệt là tăng hiệu quả chi tiêu công, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Như khẳng định của PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, đầu tư công chính là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế trong năm bản lề này. Nếu được triển khai hiệu quả, đầu tư công không chỉ kích thích trực tiếp vào GDP mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành xây dựng, vật liệu, bất động sản, dịch vụ…, giúp tạo việc làm và ổn định vĩ mô.

Còn ông Michael Kokalari, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường VinaCapital, thì cho rằng, nếu Chính phủ hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công trong năm 2025, mức tăng chi tiêu thêm 40% sẽ đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm tới.

Nhận diện rất rõ điều này, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo phải quyết liệt triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện hỏa tốc số 60/CĐ-TTG về việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 trong đó nêu rõ: Kết quả giải ngân đến hết tháng 4/2025 ước đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%).

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng của chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ.

Gần đây nhất, ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn; tạo không gian phát triển, động lực mới, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025, cao hơn so với mục tiêu trước đây là 95%. “Kết quả giải ngân đầu tư công phải được coi là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, nếu không hoàn thành phải kiểm điểm, xử lý. Cơ quan nào chưa hoàn thành sẽ phải bị xử lý, theo chỉ đạo của Thủ tướng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng, Bí thư cấp uỷ phải trực tiếp chỉ đạo những dự án khó, phức tạp”- Người đứng đầu Chính phủ lưu ý. Đặc biệt, Thủ tướng kết luận: Phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn từ cơ sở, theo tinh thần 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”. Đặc biệt là quán triệt đúng tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

vn-01052520250502082912.jpg

Việc phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 8% không đơn giản là một con số thống kê. Đó cũng không chỉ là việc năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, vì vậy nền kinh tế cần phải tăng tốc, bứt phá để đạt kết quả cao nhất theo kế hoạch đề ra. Mà đó còn là thông điệp ý nghĩa về niềm tin, về quyết tâm phát triển gửi tới các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tới hàng triệu người dân Việt, với tinh thần: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, từ đó tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn 2021-2030. Trên hết, nếu kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng này thì đây có thể coi là bước nhảy bứt phá trong bối cảnh đất nước chuyển mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vì thế, trị cho hết căn bệnh trầm kha giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, cũng chính là dọn sạch những điểm nghẽn, tạo đà cho một Việt Nam bứt tốc trong giai đoạn phát triển mới.