(VNTV). Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo ra kỷ nguyên đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân năng động đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của kinh tế này trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức đan xen, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử, mở ra kỷ nguyên đột phá cho khu vực kinh tế năng động này đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Nghị quyết 68 đặt ra những mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân và ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. (Ảnh: Vietnam+)

"Động cơ" mới cho nền kinh tế

Trong nhiều năm qua, kinh tế tư nhân đã chứng minh là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Để khu vực này thực sự "cất cánh" và phát huy hết tiềm năng, cần phải có một "đường băng" đủ dài và vững chắc và Nghị quyết 68-NQ/TW ra đời chính là để đáp ứng yêu cầu đó.

Nghị quyết khẳng định mạnh mẽ: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số." Đây là một sự ghi nhận xứng đáng đồng thời đặt ra những kỳ vọng lớn đối với khu vực kinh tế này.

Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân và ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị định 70 quy định từ ngày 1/6 các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với máy tính tiền. Quy định này kỳ vọng sẽ tạo ra một “cuộc cách mạng” trong quản lý thuế.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, đóng góp 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết 84-85% tổng số lao động. Về năng lực cạnh tranh, trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực châu Á.

Với tầm nhìn 2045, Nghị quyết nêu rõ kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế và đóng góp khoảng trên 60% GDP.

"Chìa khóa" để hiện thực hóa mục tiêu

Để đạt được những mục tiêu đầy thách thức này, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra một loạt các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, tập trung vào ba trụ cột chính. Đó là đổi mới tư duy đảm bảo nhất quán nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân. Nhà nước kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường. Đặc biệt là nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân.

Về cải cách thể chế, Nghị quyết nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, dễ dự đoán. Cụ thể là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào các quy trình, thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để về hỗ trợ nguồn lực, như phát triển thị trường tín dụng, đa dạng hóa các hình thức bảo lãnh, khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Đặc biệt là tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân. Cụ thể, chậm nhất trong nay sẽ hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan. Cơ sở đó sẽ thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai và công khai, minh bạch, chủ động cung cấp thông tin tới doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng./.