Các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền trên không gian mạng về “quyền tự tự quyết dân tộc” của Việt Nam hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bài viết nhận diện và phản bác các quan điểm, sai trái, thù địch trên không gian mạng về quyền tự quyết dân tộc.

* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch

Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng
về quyền tự quyết dân tộc tập trung vào những vấn đề chủ
yếu sau:

Một là, tuyên truyền, xuyên tạc nhằm tạo ra sự ngộ nhận về quyền dân tộc tự quyết, bịa đặt cái gọi là quyền tự quyết của các dân tộc thiểu số và cố tình đồng nhất với quyền dân tộc tự quyết theo tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ tuyên truyền rằng, ngay chủ nghĩa Mác-Lênin cũng khẳng định quyền dân tộc tự quyết, tức là: (1) Quyền lựa chọn chế độ chính trị và con đường phát triển của dân tộc mình; (2) Quyền tự do liên hiệp hoặc phân lập để thành lập nhà nước riêng, lãnh thổ tộc người riêng mà không phụ thuộc vào biên giới quốc gia. Đánh tráo khái niệm, lợi dụng quyền dân tộc tự quyết để kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam đấu tranh đòi thành lập nhà nước tự trị riêng của mình nhằm thực hiện âm mưu sâu xa là chia rẽ các dân tộc, làm suy giảm niềm tin của các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Hai là, năm 2007, sau khi Liên hợp quốc ra Tuyên ngôn về quyền của người bản địa với Điều 1 đến Điều 5 của Tuyên ngôn này cho rằng: “Các dân tộc bản địa có quyền tự quyết; các phần tử cơ hội chính trị cho rằng có quyền tự do quyết định tình trạng chính trị và tự do mưu cầu phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa”. Từ đó, họ cố tình lập lờ, đánh tráo khái niệm gọi một số dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung là “dân tộc bản địa”. Các đối tượng cực đoan, quá khích trong các tổ chức của người dân tộc thiểu số Việt Nam sống lưu vong như: IOC (Văn phòng Chămpa quốc tế); KKF (Liên đoàn Khmer Krom) còn yêu cầu Liên hợp quốc buộc Việt Nam công nhận các dân tộc thiểu số là “tộc người bản địa” và họ có quyền dân tộc tự quyết lập “nhà nước tự trị”. Từ đó, chúng kích động một bộ phận đồng bào Tây Bắc thành lập "vương quốc Mông"; đòi thành lập "Nhà nước Khmer Krô" ở Tây Nam Bộ; "Nhà nước Đềga" ở Tây Nguyên; kích động một bộ phận đồng bào Chăm đòi thành lập "Vương quốc Chawmpa" nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước tiến tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.

* Luận cứ đấu tranh phản bác

Một là, cần phải khẳng định đúng nội dung “quyền dân tộc tự quyết” theo V.I.Lênin và luật pháp quốc tế là quyền đối với dân tộc - quốc gia bị áp bức chứ không phải quyền của các tộc người trong một quốc gia dân tộc. Các dân tộc - quốc gia có quyền tự chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự quyết định chế độ kinh tế, chính trị và con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mình khi bị nước khác áp bức bằng bạo lực chứ không phải một tộc người trong một quốc gia có thể tự tách ra thành quốc gia riêng. Theo đó, quyền tự quyết không đồng nhất với quyền của các dân tộc thiểu số trong một quốc gia đa tộc người, nhất là việc phân lập về chính trị, thành lập các quốc gia độc lập. Vấn đề quyền tự quyết dân tộc là thể hiện trong thực tiễn hành động quyết định các dân tộc phát triển theo xu hướng tiến bộ của thế giới. Vì thế, thái độ đúng đắn nhất là triệt để ủng hộ các phong trào dân tộc tiến bộ, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng chiêu bài “dân tộc tự quyết để chống phá, can thiệp vào công việc nội bộ các dân tộc, tâm lý ích kỷ, hẹp hòi, lảng tránh nghĩa vụ giúp đỡ các dân tộc khác cùng phát triển.

Hai là, Việt Nam là một quốc gia thống nhất, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển và hoàn toàn không có sự áp bức. Ở nước ta, nội dung cao nhất của quyền tự quyết là các dân tộc đoàn kết đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, cùng nhau giữ gìn sự thống nhất của Tổ quốc, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa - để các dân tộc đều được phát triển tự do, đầy đủ và được hạnh phúc, ấm no. Tuy nhiên, do những vấn đề của lịch sử, của tư tưởng hẹp hòi, của phong tục tập quán và lợi ích khác nhau… giữa các dân tộc, nên khó tránh khỏi những tranh chấp, xung đột, hoặc có những mâu thuẫn nhất định. Điều đó đã tạo cớ để các lực lượng thù địch lợi dụng chống phá. Những khuyết điểm cả chủ quan và khách quan là có thật, nhưng chỉ là những biểu hiện không lành mạnh trong quá trình phát triển, những biểu hiện ấy không làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết đồng bào thiêng liêng được hun đúc từ ngàn đời trong quá trình dựng nước và giữ nước. Cho nên, những yêu sách nêu trên (đòi tự trị) của các thế lực phản động là không có căn cứ lịch sử, khoa học, pháp lý và thực tiễn.