Thời gian qua, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước lợi dụng một số vụ việc phức tạp, sai phạm của cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, công kích Đảng, Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trên không gian mạng. Nhận diện và phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái này là việc làm quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân

* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch

Các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng lợi dụng một số vụ việc phức tạp, sai phạm của cán bộ, đảng viên để xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, tập trung chủ yếu ở những vấn đề sau:

Một là, lợi dụng tình hình tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có không ít cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật đảng, xử lý hình sự,… các phần tử xấu, cơ hội chính trị, đối tượng cực đoan, chống đối trong các “hội”, “nhóm” núp danh “xã hội dân sự”, các thế lực phản động, thù địch, đã lợi dụng triệt để những ưu thế của không gian mạng, với phương tiện truyền thông, internet, blog, mạng xã hội, để tung ra những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bóp méo, phủ nhận thành quả của cuộc đấu tranh này; lợi dụng những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng để khai thác, thổi phồng những tiêu cực, gây nhiễu loạn thông tin, hướng lái dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng.

Hai là, trên không gian mạng, các thế lực thù địch cáo buộc rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam duy trì vai trò lãnh đạo duy nhất cầm quyền chính là nhằm ban phát, bảo vệ cho những “đặc quyền, đặc lợi”, “lợi ích nhóm” của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Chúng lợi dụng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để rêu rao rằng: tham nhũng là bản chất của chế độ, không thể phòng, chống tham nhũng trong thể chế chính trị một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền như ở Việt Nam.

* Luận cứ đấu tranh phản bác

Một là, cần khẳng định rõ, tham nhũng là vấn đề nan giải xuất hiện ở mọi thể chế có giai cấp, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là sự tha hóa quyền lực của những người có chức, có quyền. Trong khi đó, về bản chất, Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Do đó, về bản chất, trong thể chế chính trị Việt Nam không có đặc quyền, đặc lợi. Không thể lấy hiện tượng quy kết bản chất, không thể từ một số vụ việc phức tạp, sai phạm của cán bộ, đảng viên để quy kết đó là bản chất của chế độ.

Hai là, thực chất của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là “trị bệnh cứu người”, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu tranh giữa các “phe cánh”, hay “đấu đá nội bộ” như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”1. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử nhanh chóng, khắc phục đáng kể tình trạng án đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là một bằng chứng giàu sức thuyết phục khẳng định quyết tâm lớn của Đảng và nỗ lực lớn của Việt Nam trong đấu tranh chống lại những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên.


1 Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2023, tr.142.