Giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện
Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình dự án của Trung ương, kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các khu vực khác trong tỉnh. Trong đó, tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 07 dự án được triển khai thực hiện tại 07 xã, 04 thôn thuộc huyện Nho Quan với kinh phí giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 326 tỷ đồng. Đến tháng 10/2024, đã có 18 hộ gia đình được hỗ trợ về đất ở, 16 hộ được hỗ trợ nhà ở, 59 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, 87 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt; 154 hộ được hỗ trợ kinh phí hơn 6 tỷ đồng cho các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; 24 công trình phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh được đầu tư xây dựng, cải tạo với tổng kinh phí thực hiện hơn 13 tỷ đồng.
Mô hình nuôi ong cho thu nhập ổn định trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: Thanh Nga
(Nguồn: daidoanket.vn)
Thông qua các dự án, tỉnh còn hỗ trợ bà con tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt 60 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ còn 2,95%, cận nghèo khoảng 3,58%.
Các dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng được quan tâm triển khai thực hiện. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 100% thôn, xóm, làng, bản có nhà văn hoá gắn liền với khu thể thao. Tỉnh đã xây dựng 02 mô hình văn hoá truyền thống dân tộc Mường, củng cố, duy trì 07 câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá dân gian tại 07 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Riêng huyện Nho quan, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, hằng năm đều tổ chức “Ngày hội văn hoá các dân tộc”, tạo không gian kết nối và giao lưu văn hoá giữa các địa phương trong huyện, tích cực tuyên truyền, giới thiệu bản sắc và những sản phẩm văn hoá đặc trưng của huyện miền núi.
Công tác giáo dục, y tế cũng luôn được quan tâm. Đến thời điểm hiện tại, 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 07/07 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đúng đối tượng, việc hỗ trợ những hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ gặp thiên tai, hoạn nạn bảo đảm điều kiện sống được thực hiện kịp thời với phương châm "không để ai bỏ lại phía sau".
Không chỉ thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thực hiện chính sách đối với người có uy tín để phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhờ đó ý thức trách nhiệm của đồng bào không ngừng được nâng lên, đồng bào tích cực tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Việc thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp phần phát triển toàn diện kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng cao, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rõ rệt. Tính đến tháng 8/2024, có 59 thôn của 05 xã (Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Thạch Bình của huyện Nho Quan) ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.
Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Ninh Bình ngày càng được nâng cao
(Nguồn: daibieunhandan.vn)
Những kết quả trên đã tạo ra động lực mới, vai trò của người dân tộc thiểu số trong phong trào phát triển chung của tỉnh ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp vào công cuộc phát triển chung của tỉnh
Chính sách dân tộc hiện nay hướng tới nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để đồng bào tự chủ, tự lực, phát huy tinh thần đoàn kết cách mạng vượt qua khó khăn xây dựng đời sống ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển chung của tỉnh Ninh Bình, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Để đạt mục tiêu đó, tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện chính sách dân tộc. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là không vi phạm pháp luật; tích cực thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện đời sống trên cơ sở tinh thần tự lực, phát huy tiền năng vốn có của địa phương.
Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tư nhân gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường, tạo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên phát triển ngồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. Tăng cường xây dựng, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học, y tế, thiết chế văn hoá; phát huy các lễ hội truyền thống bảo tồn giá trị văn hoá tốt đẹp của người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh hỗ trợ các chương trình phát triển giáo dục; thực hiện đúng, kịp thời các chính sách xã hội, chính sách bảo trợ và chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác dân tộc, có cơ chế chính sách thu hút cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ, quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng dòng họ trong cộng đồng dân tộc thiểu số.