Sự cần thiết tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy
Tính tất yếu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy được thể hiện trên những nội dung sau:
Một là, xuất phát từ những hạn chế, bất cập trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, qua 07 năm thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ này sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Hai là, xuất phát từ thực tiễn bộ máy hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, dư thừa nhiều đầu mối trung gian. Một trong những vấn đề nổi bật trong bộ máy nhà nước hiện nay là sự cồng kềnh và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị. Cơ cấu tổ chức của nhiều bộ, ngành, cơ quan nhà nước còn nặng nề, nhiều phòng ban, đơn vị có chức năng nhiệm vụ không rõ ràng hoặc trùng lặp với nhau, gây lãng phí nguồn lực. Việc thiếu sự phân định rạch ròi các nhiệm vụ dẫn đến tình trạng một số cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả, thậm chí là tồn tại chỉ để duy trì hình thức. Chẳng hạn, nhiều bộ phận thực hiện công việc giống nhau nhưng lại không phối hợp chặt chẽ, khiến cho công việc bị kéo dài, thủ tục hành chính phức tạp và tạo ra sự chồng chéo. Điều này vừa làm tăng chi phí hoạt động của bộ máy nhà nước, vừa khiến công việc không được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Hơn nữa, trong bộ máy nhà nước hiện nay, sự tồn tại của quá nhiều đầu mối trung gian cũng là một trong những yếu tố làm giảm hiệu quả hoạt động. Các cấp quản lý trung gian không chỉ làm tăng số lượng công việc mà còn kéo dài quá trình ra quyết định, làm giảm tính linh hoạt trong công tác điều hành. Việc có quá nhiều cấp, nhiều đầu mối trong quá trình xử lý công việc dẫn đến sự kém hiệu quả trong việc truyền đạt thông tin, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.
Ba là, xuất phát từ thực tiễn nhiều đơn vị, cơ quan hoạt động không thật sự hiệu quả. Bộ máy hành chính hiện nay có nhiều đơn vị, cơ quan có chức năng không rõ ràng hoặc tồn tại mà không thật sự hiệu quả. Các cơ quan này đôi khi không đóng góp nhiều vào sự phát triển chung, nhưng lại chiếm dụng một lượng lớn nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính và nhân lực. Càng nhiều đơn vị tồn tại mà không thực hiện tốt nhiệm vụ, bộ máy càng trở nên cồng kềnh và thiếu hiệu quả. Các cơ quan này có thể không đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, không tạo ra giá trị thực tiễn, nhưng lại duy trì một cách vô lý trong hệ thống.
Bốn là, tiến hành chuyển đổi số dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, với sự phát triển của công nghệ thông tin và tự động hóa. Các quy trình, công việc thủ công hay các thủ tục hành chính phức tạp trước đây nay có thể được thay thế bằng các phần mềm và hệ thống quản lý thông minh. Điều này tạo ra cơ hội cải thiện hiệu quả công việc, nhưng đồng thời cũng dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ, khi nhiều công việc có thể được tự động hóa hoặc thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác hơn mà không cần sự can thiệp của nhiều nhân sự.
Xuất phát từ những vấn đề bất cập đó, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy là một giải pháp tất yếu để xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Để đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy
Để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức cần phải đáp ứng các yêu cầu mới về nhận thức, năng lực chuyên môn và trách nhiệm công việc.
Thứ nhất, về nhận thức. Để đội ngũ cán bộ có thể đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đầu tiên phải thay đổi nhận thức của họ về tầm quan trọng và sự cấp thiết của cuộc cải cách. Việc này đòi hỏi các cấp lãnh đạo, các tổ chức đào tạo và các cơ quan nhà nước phải nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc giảm thiểu bộ máy cồng kềnh, tinh giản các thủ tục hành chính, và hướng tới một bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt, hiệu quả hơn. Cán bộ công chức cần hiểu rõ rằng, cuộc cách mạng này không chỉ là cải cách cơ cấu tổ chức mà còn là quá trình thay đổi tư duy, cách làm việc, và nâng cao sự phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc giảm thiểu các cấp, các đơn vị không hiệu quả hay không cần thiết là bước đi quan trọng để tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của đất nước. Cùng với đó, nhận thức của cán bộ về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong công việc cũng rất quan trọng. Cán bộ cần phải sẵn sàng đối mặt với sự thay đổi, học hỏi và làm quen với công nghệ mới để phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả hơn.
Thứ hai, về năng lực chuyên môn. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc và khả năng xử lý các công việc phức tạp. Cải cách bộ máy không chỉ yêu cầu sự thay đổi về cơ cấu mà còn cần đến đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, kiến thức, kỹ năng để thích nghi với môi trường làm việc mới và có thể thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả. Việc nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ cần được thực hiện thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Các cán bộ cần được trang bị kiến thức về quản lý, lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính. Đặc biệt, khi bộ máy trở nên gọn nhẹ hơn, khối lượng công việc sẽ trở nên lớn hơn và yêu cầu cán bộ có năng lực xử lý công việc nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Cán bộ không chỉ cần có kiến thức chuyên môn sâu rộng mà còn phải linh hoạt, sáng tạo trong việc áp dụng các giải pháp tối ưu nhất để hoàn thành công việc.
Thứ ba, về trách nhiệm công việc. Bên cạnh nhận thức và năng lực chuyên môn, một yếu tố quan trọng không kém để đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy là trách nhiệm công việc. Trong một bộ máy hành chính tinh gọn, mỗi cán bộ, công chức phải nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ. Trách nhiệm công việc là yếu tố quyết định đến hiệu quả làm việc của mỗi cá nhân và toàn bộ tổ chức. Để cải cách hành chính thành công, mỗi cán bộ không chỉ cần hoàn thành công việc của mình mà còn phải chủ động, sáng tạo, sẵn sàng thay đổi cách thức làm việc, giúp nâng cao chất lượng phục vụ công dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cán bộ cần có ý thức tuân thủ quy trình, quy định, và phải chịu trách nhiệm về kết quả công việc, tránh tình trạng đùn đẩy công việc hay trốn tránh trách nhiệm.
Thứ tư, tạo động lực và môi trường làm việc. Ngoài các yếu tố nhận thức, năng lực chuyên môn và trách nhiệm công việc, một yếu tố quan trọng không kém là việc tạo động lực cho cán bộ công chức trong quá trình thực hiện cải cách. Cần xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, nơi mà mọi cán bộ đều cảm thấy mình có giá trị, được khuyến khích phát huy khả năng và có cơ hội thăng tiến. Chế độ đãi ngộ hợp lý, công bằng và minh bạch, kết hợp với chính sách đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên sẽ giúp cán bộ công chức có động lực để nâng cao trình độ, cải thiện hiệu quả công việc. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong cách thức thực hiện công việc, tạo cơ hội cho cán bộ phát huy hết khả năng của mình.
Với phương châm: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, để cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, trước hết phải bắt đầu từ chính độ ngũ cán bộ.