Bất bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) là thách thức chung của nhiều quốc gia, cơ sở giáo dục đại học trên thế giới. Vấn đề này trở nên cấp bách khi đổi mới sáng tạo, KH&CN được xác định là chìa khóa, động lực phát triển ở thời đại mới. Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm phát triển đội ngũ nhân lực nữ trong lĩnh vực KH&CN, ngày càng khẳng định tài năng, trí tuệ và tiềm năng sáng tạo to lớn trong lĩnh vực quan trọng này.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Sự phát triển bùng nổ các công nghệ AI, 5G, Robotics, … không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn đối với yêu cầu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực KH&CN của quốc gia. Máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế cho sức người sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là nhu cầu nhân lực chuyên môn bậc cao ngày càng tăng. Vì vậy, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực KH&CN càng trở nên cấp bách, đặc biệt là khi quá trình hội nhập quốc tế toàn diện đang đặt ra yêu cầu nhân lực KH&CN phải có những kỹ năng mang tính toàn cầu, cập nhật và theo kịp xu thế mới trong sự phát triển của KH&CN hiện đại. Trong đó, năng lực của một nửa dân số thế giới là trẻ em gái và phụ nữ cũng sẽ được phát huy. Tuy nhiên, thực trạng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam hiện nay là sự “vắng bóng” của nữ giới trong lĩnh vực STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), CNTT, thế giới số.
Theo báo cáo của UNESCO (2023), vào năm 2020, chỉ 31% số nhà nghiên cứu và nhân sự trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) trên toàn cầu là phụ nữ. Con số này nhấn mạnh sự chênh lệch giới tính trong lực lượng lao động R&D trên thế giới.
Tại Việt Nam, theo niên giám thống kê năm 2022, số người hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) là 131.045 người trong đó nữ có 58.694 người chiếm 44%. Tuy nhiên, về tính chất công việc, theo thống kê chưa chính thức, nữ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ (hành chính, tài chính, thông tin).
Báo cáo “Thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin 2024-2025” của TopDev (2024) cũng chỉ ra rằng, trong ngành CNTT tại Việt Nam, nữ giới chỉ chiếm khoảng 11% trong tổng số nhân lực ngành.
Từ sự chênh lệch về vị trí việc làm sẽ dẫn chênh lệc về thu nhập. Theo thống kê, thu nhập từ việc làm năm 2021 tại Việt Nam, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,9 triệu đồng. Tình trạng chênh lệch về lương chắc chắn sẽ càng tăng thêm dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).
Theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề giản đơn như hành chính, hỗ trợ, lễ tân, lao động giản đơn… có nguy cơ bị thay thế bởi AI, robot. Trong khi đó, lực lượng lao động thực hiện các công việc giản đơn này chiếm phần lớn là nữ giới[1]. Do đó, lao động nữ nếu không trang bị những kỹ năng CNTT, kỹ năng số có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do tự động hóa, AI.
Bên cạnh đó, việc đào tạo và tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực KH&CN sẽ góp phần đẩy mạnh nền khoa học phát triển, tăng tính đa dạng trong lực lượng lao động, đồng thời mang lại lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức, đảm bảo phát triển bao trùm và bền vững. Vì vậy, chiều cạnh giới phải được tính đến trong quá trình xây dựng và thực hiện các giải pháp chính sách.
Giải pháp về nâng cao nhận thức
Khoa học phát triển dựa trên kiến thức được chia sẻ, do đó, bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ cũng sẽ giúp phát huy tốt nhất thế mạnh của cả hai giới và tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực khoa học, khả năng tiếp cận là nguyên tắc cơ bản, cho phép mọi người có cơ hội học hỏi, theo đuổi sự nghiệp và đóng góp. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái thường gặp nhiều rào cản trong việc giao tiếp và nhận được sự hỗ trợ để vượt qua những thách thức về giáo dục và nghề nghiệp. Nỗi sợ không đủ năng lực và chịu định kiến, nghi ngờ về khả năng dựa trên giới tính đã cản trở việc trao đổi ý tưởng một cách cởi mở. Vì vậy, trước hết, cần xóa bỏ định kiến ngăn cản nữ sinh mơ ước theo đuổi nghiên cứu khoa học. Theo đó, cần loại bỏ định kiến giới trong giáo dục nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Thực tế đã chỉ ra tầm quan trọng trong việc thúc đẩy nữ giới tham gia trong ngành KH&CN. Theo nghiên cứu của Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ, nhà sáng lập các công ty trong ngành KH&CN là phụ nữ chiếm 7% và kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp do nữ lãnh đạo rất hiệu quả với doanh thu hơn 12% và với số vốn ít hơn lên tới 33%. Việc đa dạng trong đội ngũ lao động (“mixed-gender” team -đội ngũ có cả nam và nữ) cũng đã chứng mình góp phần tăng tỉ lệ hàm lượng công nghệ, sáng tạo trong sản phẩm của doanh nghiệp từ 26% đến 42%[2].
Giải pháp về hoàn thiện khung luật pháp, chính sách
- Đảm bảo nữ và nam giới có điều kiện, cơ hội tiếp cận giáo dục, CNTT, kỹ thuật số như nhau. Việc tiếp cận kỹ năng số từ sớm có thể khuyến khích học sinh nữ quan tâm đến KH&CN, từ đó thúc đẩy họ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
- Tăng cường chương trình giảng dạy về STEM, đổi mới sáng tạo cho học sinh/sinh viên nữ. Lồng ghép giới trong các chương trình giáo dục nghề nghiệp và trao học bổng toàn phần cho sinh viên nữ học các ngành này.
- Các chương trình quốc gia, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, KH&CN, các chính sách phát triển nhân lực KH&CN, cần phải dựa trên bằng chứng, số liệu có phân tách giới, có đánh giá tác động giới. Các chương trình, chiến lược quốc gia và chiến lược ngành cần xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về phát triển nhân lực nữ, tỷ lệ nữ lao động. Chính phủ và các Bộ, ngành cần đầu tư vào các sáng kiến hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ trong lĩnh vực STEM và R&D;
- Ngoài ra, cần phải điều chỉnh chính sách lương, thưởng, hỗ trợ xuyên suốt cho nhân lực nữ trong lĩnh vực KH&CN; cần có chính sách làm việc linh hoạt, nghỉ phép có lương, chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ chăm sóc gia đình, giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ và trẻ em gái... Giải pháp này có thể mang hiệu quả cao vì cho phép nhà khoa học nữ yên tâm, gắn bó với nghề.
Giải pháp về truyền thông
Cần tăng cường hình ảnh các nhà khoa học nữ, các nữ lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp, trong lĩnh vực CNTT, STEM sẽ có tác động mạnh mẽ, truyền cảm hứng, khuyến khích trẻ em gái và phụ nữ trẻ quan tâm đến khoa học và công nghệ và muốn được trải nghiệm trong lĩnh vực này. Đồng thời, tạo điều kiện giao tiếp giữa các thế hệ và thông qua sự cố vấn, hướng dẫn có trách nhiệm giới, sẽ giúp cho học sinh nữ, phụ nữ trẻ tham gia STEM sớm, từ đó định hình nguyện vọng nghề nghiệp, vượt qua các rào cản và thành công trong lĩnh vực này.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 không phải vấn đề trung lập về giới. Việc thiếu nhận thức về giới cũng như chậm đưa ra các giải pháp giải quyết các tác động của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số sẽ làm tăng thêm khoảng cách kỹ thuật số giữa các giới, dẫn đến gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực trong nền kinh tế số, không đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia. Do đó, để có thể tận dụng hết mọi tiềm năng của nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, vấn đề giới trong hoạch định và thực thi cần phải tính đến nhằm thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tham gia và đóng góp nhiều hơn nữa trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.