Câu hỏi: Xin cho biết phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Ngày 27/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó:
1. Định hướng phát triển và phân bổ mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đến năm 2030
Một là, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm toàn quốc
- Nâng cấp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với định hướng cơ cấu như sau:
+ Các cơ sở giáo dục đại học công lập chiếm khoảng 70% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển đất nước và bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học thuận lợi, công bằng cho người dân;
+ Các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò quan trọng trong đa dạng hóa dịch vụ giáo dục đại học, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người học và của thị trường lao động;
+ Từ 50 đến 60 cơ sở giáo dục đại học đào tạo tới trình độ tiến sĩ, trong đó khoảng 50% phát triển theo định hướng nghiên cứu, giữ vai trò nòng cốt trong mạng lưới về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Phương án sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học như sau:
+ Củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện có; chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật.
+ Sắp xếp, thu gọn số đầu mối cơ sở giáo dục đại học công lập; chỉ xem xét thành lập trường đại học công lập mới khi có yêu cầu cấp thiết và có đủ điều kiện thuận lợi trong các trường hợp: (1) thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận đại học thấp, cụ thể tại Tây Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; (2) tổ chức lại một số trường đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương đã được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; (3) đã có chủ trương thành lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt và còn trong thời hạn theo quy định trước thời điểm Quy hoạch này có hiệu lực thi hành.
+ Sắp xếp, củng cố hoạt động của các phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; chỉ xem xét thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học công lập trong các trường hợp: (1) tổ chức lại cơ sở đào tạo hoặc chuyển giao phân hiệu từ một cơ sở giáo dục đại học khác đang được phép hoạt động; (2) sáp nhập trường đại học hoặc trường cao đẳng có trụ sở tại địa phương khác; (3) mở rộng không gian phát triển của cơ sở giáo dục đại học tại địa phương lân cận hoặc tại địa phương có nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng.
+ Sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương (trừ Bộ Giáo dục và Đào tạo) theo hướng tập trung vào ngành, lĩnh vực cốt lõi của cơ quan quản lý trực tiếp; sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương và của vùng trong đó có các ngành đào tạo giáo viên.
+ Khuyến khích thành lập mới, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, nhất là các cơ sở giáo dục đại học chuyên đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
- Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển các đại học quốc gia và đại học vùng đạt chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực và thế giới, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng, giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học toàn quốc và tại các vùng kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:
+ Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; phát triển Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia. Các đại học quốc gia phát triển theo định hướng nghiên cứu, tập trung đào tạo tài năng, chất lượng cao và đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia; ưu tiên các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực trọng điểm khác theo thế mạnh cốt lõi của từng đại học.
+ Nâng cấp, mở rộng không gian phát triển của Đại học Thái Nguyên trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; nâng cấp, phát triển thêm các đại học vùng tại Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long với nòng cốt là Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ và một số trường đại học khác tại mỗi vùng; chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Tây Bắc thành đại học vùng ở giai đoạn sau năm 2030. Các đại học vùng tập trung nâng cao chất lượng, chú trọng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng; ưu tiên các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, sư phạm và một số lĩnh vực khác theo yêu cầu phát triển từng vùng.
Hai là, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên
- Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô từ 180 đến 200 nghìn người học trong đó khoảng 85% ở trình độ đại học và 15% ở trình độ cao đẳng; dự kiến có từ 48 đến 50 cơ sở giáo dục đại học với cơ cấu như sau:
+ Các cơ sở giáo dục đại học chủ chốt đào tạo giáo viên bao gồm 02 trường đại học sư phạm trọng điểm và 12 cơ sở giáo dục đại học khác trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại học quốc gia và đại học vùng, giữ vai trò nòng cốt trong mạng lưới, tập trung nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ giáo dục, đào tạo chất lượng cao và bồi dưỡng giáo viên, chiếm khoảng 64% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc, phục vụ nhu cầu sử dụng của từng vùng và cả nước.
+ Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và một số cơ sở giáo dục đại học công lập khác có truyền thống đào tạo sư phạm tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở nhiều ngành, chiếm khoảng 30% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc, phục vụ chủ yếu nhu cầu sử dụng của địa phương.
+ Một số cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh về các ngành công nghệ, nông lâm, ngôn ngữ, thể dục, thể thao, nghệ thuật tham gia đào tạo giáo viên các ngành sư phạm đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.
- Phương án sắp xếp, phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên như sau:
+ Nâng cấp, phát triển Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về sư phạm, định hướng nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, đóng vai trò hạt nhân và đầu tàu trong mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên.
+ Sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học sư phạm thể dục và thể thao, sư phạm nghệ thuật theo các phương án: (1) sáp nhập với một trường đại học sư phạm hoặc cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực có trường, khoa sư phạm hoặc khoa học cơ bản; (2) sáp nhập, hợp nhất với nhau hoặc với các trường chuyên sâu thể dục, thể thao, nghệ thuật để phát triển thành một trường đại học đa ngành trong đó có ngành sư phạm thể dục, thể thao, nghệ thuật.
+ Sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo các phương án: (1) sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực có trường, khoa sư phạm hoặc khoa học cơ bản; (2) sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương hoặc trong vùng; (3) sáp nhập, hợp nhất với một số cơ sở giáo dục khác tại địa phương.
+ Tái cấu trúc và phát triển các trường đại học sư phạm kỹ thuật thành các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghệ và kỹ thuật; tiếp tục thực hiện vai trò hạt nhân trong đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ba là, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM
- Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM đạt quy mô hơn 1 triệu người học trong đó khoảng 7% trình độ thạc sĩ (và trình độ tương đương) và 1% trình độ tiến sĩ. Ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh nghiên cứu, đào tạo các ngành, lĩnh vực STEM gắn với định hướng phát triển các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của các vùng như sau:
+ Ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh về khoa học tự nhiên, khoa học sự sống tại 04 vùng động lực và Tây Nguyên, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, năng lượng, môi trường, kinh tế biển và các ngành kinh tế khác.
+ Ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh về máy tính và công nghệ thông tin, kỹ thuật điện, điện tử và truyền thông tại 04 vùng đô thị lớn và Nam Trung bộ, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp phần mềm, công nghiệp bán dẫn, điện tử, viễn thông, năng lượng và các ngành kinh tế khác.
+ Ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh về kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa, xây dựng và giao thông tại các vùng Đông Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, vùng đô thị Cần Thơ, phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, năng lượng, xây dựng và giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và các ngành kinh tế khác.
- Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển 05 cơ sở giáo dục đại học công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ then chốt, mũi nhọn để trở thành các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, có chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực, trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp vào nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. Các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về kỹ thuật và công nghệ cùng với các đại học quốc gia và một số đại học vùng đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược và chuyển đổi số quốc gia.
- Tiếp tục phát triển 03 trường đại học xuất sắc được thành lập theo hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và một số quốc gia khác (Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Việt - Nhật) thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu với mức độ quốc tế hóa cao, trọng tâm là những ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiềm năng. Đầu tư xây dựng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực về các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển.
Bốn là, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực trọng điểm khác
- Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, tăng quy mô đào tạo từ 180.000 đến 200.000 người học đại học để cùng với hệ thống giáo dục nghề nghiệp bảo đảm đáp ứng nhu cầu về số lượng nguồn nhân lực bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đạt tỷ lệ 19 bác sĩ, 4,0 dược sĩ và 33 điều dưỡng trên 10.000 dân. Lựa chọn và đầu tư trọng điểm từ 03 đến 05 cơ sở giáo dục đại học công lập có năng lực và uy tín hàng đầu về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe, cùng với một số đại học quốc gia, đại học vùng (được xác định lĩnh vực trọng điểm về y dược) đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt trong mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực sức khỏe, đạt chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực.
- Hình thành, phát triển các mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo từng lĩnh vực trọng điểm, then chốt khác theo chiến lược phát triển đất nước, chiến lược phát triển các ngành kinh tế - xã hội, đặc biệt các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng. Lựa chọn và đầu tư trọng điểm từ 01 đến 03 cơ sở giáo dục đại học công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về nghiên cứu và đào tạo trong mỗi lĩnh vực, cùng với một số đại học quốc gia, đại học vùng (được xác định lĩnh vực trọng điểm) đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực tương ứng.
Năm là, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học ở các vùng
- Hình thành và phát triển các mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo vùng, tiểu vùng, lấy các đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm làm nòng cốt, tăng cường liên kết trong mạng lưới và gắn kết với cơ sở nghiên cứu, khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương lân cận. Không gian phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học vùng chủ yếu dọc theo các hành lang kinh tế với trung tâm là các thành phố lớn, cụ thể như sau:
+ Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học vùng Trung du và miền núi phía Bắc với trung tâm là Thái Nguyên và Sơn La, ưu tiên mở rộng mạng lưới tại khu vực Tây Bắc; đầu tư nâng cấp các cơ sở giáo dục đại học trong vùng để mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển vùng, trọng tâm là các ngành sư phạm, y dược, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch.
+ Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học vùng Đồng bằng sông Hồng với trung tâm là Hà Nội và Hải Phòng; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực trọng điểm cho vùng và cả nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược. Đầu tư nâng cấp và mở rộng không gian phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; mở rộng diện tích, tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở giáo dục đại học nằm trong khu vực trung tâm Hà Nội ra các khu vực quy hoạch mới của Thành phố và các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
+ Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học của các tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, với trung tâm là Nghệ An (thành phố Vinh) và Thanh Hóa, Huế và Đà Nẵng, Khánh Hoà (thành phố Nha Trang) và Bình Định (thành phố Quy Nhơn); đầu tư nâng cấp các cơ sở giáo dục đại học trong vùng để mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cho vùng và một số tỉnh lân cận vùng Tây Nguyên, trọng tâm là các ngành sư phạm, y dược, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nghệ thuật, tài chính, thủy sản và du lịch.
+ Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học vùng Tây Nguyên với trung tâm là Đắk Lắk (thành phố Buôn Ma Thuột) và Lâm Đồng (thành phố Đà Lạt); đầu tư nâng cấp các cơ sở giáo dục đại học trong vùng để mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển vùng, trọng tâm là các ngành sư phạm, y dược, công nghệ, sản xuất và chế biến, nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch.
+ Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học vùng Đông Nam Bộ, với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực trọng điểm cho vùng và cả nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược. Đầu tư nâng cấp và mở rộng không gian phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; mở rộng diện tích, tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở giáo dục đại học nằm trong khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh ra các khu vực quy hoạch mới của Thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
+ Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm là Cần Thơ; đầu tư nâng cấp cho các cơ sở giáo dục đại học trong vùng để mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển vùng, trọng tâm là các ngành sư phạm, y dược, công nghệ, sản xuất và chế biến, nông nghiệp, thủy sản và du lịch.
- Hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn trên cơ sở nâng cấp, phát triển và liên kết các cơ sở giáo dục đại học, khu đô thị đại học, cụm đại học tại 04 vùng đô thị lớn, cụ thể như sau:
+ Phát triển trung tâm giáo dục đại học vùng đô thị Hà Nội với nòng cốt là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và các cơ sở giáo dục đại học lớn, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm khác, liên kết các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; ưu tiên đầu tư phát triển một số khu đô thị đại học, cụm đại học dọc hai bên các vành đai 4 và 5 vùng Thủ đô và tại các khu vực khác đã được quy hoạch; liên kết mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tại hai vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
+ Phát triển trung tâm giáo dục đại học vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh với nòng cốt là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở giáo dục đại học lớn, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, liên kết các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; ưu tiên đầu tư phát triển một số khu đô thị đại học, cụm đại học dọc hai bên các vành đai 3 và 4 của Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tại hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Phát triển trung tâm giáo dục đại học vùng đô thị Đà Nẵng với nòng cốt là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Duy Tân, liên kết các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; mở rộng không gian phát triển của các cơ sở giáo dục đại học nằm trong nội đô các thành phố Đà Nẵng và Huế ra các khu vực quy hoạch mới, tập trung đầu tư hoàn thành khu đại học tập trung tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
+ Phát triển trung tâm giáo dục đại học vùng đô thị Cần Thơ với nòng cốt là Trường Đại học Cần Thơ; mở rộng không gian phát triển và liên kết các cơ sở giáo dục đại học, khu đô thị đại học, cụm đại học tại thành phố Cần Thơ và các đô thị lân cận.
Sáu là, mạng lưới giáo dục đại học số
- Phát triển mạng lưới giáo dục đại học số trên cơ sở: (1) chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong tổ chức và hoạt động của từng cơ sở và cả hệ thống giáo dục đại học; (2) liên kết mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trên các nền tảng đào tạo trực tuyến nhằm chia sẻ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và dịch vụ giáo dục đại học; (3) chuyển đổi mô hình hoạt động của một số trường đại học hoặc đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học thành trường đại học số, trường đào tạo số.
- Phát triển hệ thống giáo dục đại học số quốc gia, tạo đột phá thực hiện mục tiêu tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo ngành, lĩnh vực trọng điểm trên hệ thống giáo dục đại học số quốc gia. Đến năm 2030, 100% cơ sở giáo dục đại học cung cấp chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến; giáo dục đại học số trở thành một trụ cột quan trọng của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỉ trọng 30% quy mô (tính theo số tín chỉ học tập được công nhận).
2. Định hướng phát triển mạng lưới trong tầm nhìn đến năm 2050
Một là, phát triển mạng lưới cơ bản ổn định về số lượng và phân bố không gian các cơ sở giáo dục đại học, sắp xếp giảm số đầu mối cơ sở giáo dục đại học công lập và tăng số cơ sở giáo dục đại học tư thục, nhất là số cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Hai là, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng quy mô đào tạo trên 3,6 triệu người học trong đó khối tư thục chiếm khoảng 50%; tỉ trọng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đạt mức trung bình của nhóm quốc gia có thu nhập cao.
Ba là, tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm trở thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu đẳng cấp thế giới, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và y dược.
Bốn là, tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng phạm vi hoạt động của hệ thống giáo dục đại học số quốc gia và chuyển đổi mô hình hoạt động của một số cơ sở giáo dục đại học lớn sang mô hình đại học số; tăng tỉ trọng giáo dục đại học số đạt 50% quy mô (tính theo số tín chỉ học tập được công nhận).
3. Định hướng đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực
Một là, nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và công nghệ
- Rà soát, quy hoạch, xây dựng các phương án sắp xếp, mở rộng khuôn viên, phát triển hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với chủ trương, định hướng, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo từng vùng và địa phương; đến năm 2030 có 100% cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích đất và diện tích sàn xây dựng theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
- Tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, công nghệ, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các đại học quốc gia, đại học vùng, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu khác, ưu tiên nhóm ngành sư phạm, các lĩnh vực STEM, sức khỏe và các lĩnh vực then chốt khác.
- Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông thuận lợi, gắn kết với các khu dân cư, khu công nghiệp, khu vực phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường sinh thái hài hòa bao quanh các cơ sở giáo dục đại học và các khu vực quy hoạch đất cho phát triển giáo dục đại học.
- Phát triển hạ tầng số, triển khai các nền tảng số cho giáo dục đại học, bảo đảm an ninh, an toàn không gian số đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục đại học số.
Hai là, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học
- Phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, bao gồm cả năng lực ngoại ngữ, năng lực số và ứng dụng công nghệ giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống giáo dục đại học. Tăng bình quân mỗi năm khoảng 5% số giảng viên toàn thời gian và 8% số giảng viên có trình độ tiến sĩ để đến năm 2030 toàn hệ thống có 110.000 giảng viên toàn thời gian trong đó ít nhất 40% có trình độ tiến sĩ.
- Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học tinh thông, chuyên nghiệp, chú trọng tư duy đổi mới và khả năng thích ứng nhanh với những yêu cầu thay đổi trong quá trình tự chủ đại học, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; bảo đảm tỷ lệ cán bộ quản lý, phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo và nghiên cứu trên số giảng viên cơ hữu của mỗi cơ sở giáo dục đại học công lập không quá 1/3.
NĐT
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 452/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 02 năm 2025 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).