Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nguyễn Văn Thiệu tổ chức một cuộc duyệt binh lớn nhân Ngày quân lực Việt Nam Cộng hòa 19/6/1973, đây là cuộc duyệt binh cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước khi sụp đổ

Bối cảnh tình hình

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Nhiều người miền Nam yêu chuộng hòa bình hy vọng chiến tranh sớm kết thúc, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sẽ chấp hành nghiêm chỉnh hiệp định, tiến đến xây dựng một chính phủ liên hiệp, hòa bình, dân tộc, dân chủ, bầu cử tự do ở miền Nam, nhưng sự thực thì không phải vậy.

Chính quyền Sài Gòn đã ngay lập tức lợi dụng ngừng bắn để đưa quân đi lấn chiếm vùng giải phóng, xóa thế da báo, nhằm giành lấy những lợi thế trên chiến trường.

Từ đầu năm 1973, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã đề ra kế hoạch chiến tranh 3 năm (1973-1975), coi “bình định lấn chiếm” là biện pháp chiến lược có ý nghĩa quyết định. Ngày 23/01/1973, Nguyễn Văn Thiệu ban hành công điện hỏa tốc số 004-TT/CĐ gửi Thủ tướng Chính phủ, các đô – tỉnh - thị trưởng, Tồng Tham mưu trưởng và Tư lệnh các quân đoàn, quân khu “ra lệnh treo cờ trên toàn quốc” nhằm mục đích “tràn ngập lãnh thổ bằng cờ quốc gia để xác nhận phần đất và phần dân”. Thực hiện chủ trương “tràn ngập lãnh thổ”, quân đội Sài Gòn đã tiến hành liên tục và hàng loạt các cuộc hành quân lấn chiếm với quy mô cấp trung đoàn, tiểu đoàn. Trong năm 1973, quân đội Sài Gòn đã tổ chức 11.365 cuộc hành quân lấn chiếm ở các quy mô khác nhau, có sự chi viện của không quân và hải quân.

Cuộc lấn chiếm nổ ra sớm nhất và ác liệt ngay tối 27/01/1973 tại Cảng Cửa Việt, Quảng Trị và sau đó lan rộng ra khắp các vùng, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long.

Do có sự chù động và dùng nhiều biện pháp tàn bạo, quân đội Sài Gòn đã đạt được những mục tiêu nhất định. Tính đến hết tháng 10/1973, quân đội Sài Gòn đã kiểm soát 11.430 trên tổng số 12.107 ấp. So với năm 1972, chính quyền Sài Gòn đã kiểm soát thêm 271 ấp, số dân kiểm soát là 19.049.000 người.

Chính sách lấn chiếm, xóa thế “da báo” của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đạt được những kết quả to lớn một phần cũng do chủ trương sai lầm của ta tại miền Nam Việt Nam, chẳng hạn Ban Binh vận Trung ương Cục đã phổ biến đến binh vận từ cấp huyện trở nên về “5 cấm chỉ” đối với các địa phương sau Hiệp định Paris (cấm tiến công địch, cấm đánh quân địch lấn chiếm, cấm vây đồn, cấm pháo kích, cấm xây dựng xã chiến đấu), án binh bất động trước các hành động lấn chiếm của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Trong quá trình đàm phán và khi hiệp định Paris được ký kết, Hoa Kỳ tăng cường viện trợ một khối lượng phương tiện vũ khí và phương tiện chiến tranh khổng lồ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Trước ngày 27/01/1973, Mỹ cấp tốc viện trợ cho chính quyền Sài Gòn 700 máy bay, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, 2 triệu tấn vật tư quân sự, tổng trị giá 750 triệu USD[1].

Quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc đó được xếp hạng là một quân đội hạng tư trên thế giới, sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc, với số lượng quân đội đông đảo và khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ và hiện đại nhất trong số những quốc gia có sự hậu thuẫn của Mỹ. Ngay sau khi ký Hiệp định, vào đầu năm 1973, Mỹ đã tiếp tục đưa thêm vào miền Nam 90 máy bay, 100 pháo và khối lượng lớn phương tiện chiến tranh.

Song song với việc đưa vũ khí và phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam, Mỹ tăng cường viện trợ kinh phí để chính quyền Sài Gòn dồn quân bắt lính, đưa quân số chính quy của quân đội Sài Gòn từ 650.000 (năm 1972) lên 720.000 (năm 1973). Quân đội Sài Gòn được trang bị vũ khí hiện đại. Lực lượng không quân được tăng cường với tốc độ nhanh (gần 66 phi đoàn với 1.850 máy bay các loại). Chính viên tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ đã tự nhận rằng: “Miền Nam trên thực tế trở thành một trong năm nước có không quân mạnh nhất thế giới” Có thời điểm miền Nam có tới 1.000 máy bay và 500, 600 máy bay lên thẳng”[2].

Một số nhà quân sự Mỹ ước tính với số lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ đó, nếu chiến tranh cứ diễn ra theo phương thức hiện tại, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có thể cầm cự và tiến hành chiến tranh đến cuối thế kỷ.

Cuộc duyệt binh ngày 19/6/1973 của quân đội Sài Gòn (Ảnh tư liệu)

Lực lượng quân đội của các địa phương được củng cố và tăng nhanh về số lượng. Trung bình mỗi tinh có từ 6 đến 9 tiểu đoàn bảo an, nơi cao nhất có 13-15 tiểu đoàn được trang bị như các đơn vị chủ lực. Dân vệ, cành sát dã chiến, phòng vệ dân sự cũng phát triển cả về số lượng và trang bị. Tính chung trong thời kỳ này, tổng số lực lượng vũ trang của chính quyền Sài Gòn lên tới 1,1 triệu quân.

Với quân số lớn và trang bị hiện đại, quân đội Sài Gòn chia thành hai lực lượng chiến lược trên chiến trường miền Nam. “Lực lượng dã chiến” bao gồm các sư đoàn bộ binh, thủy quân lục chiến, lính dù, biệt động quân, biệt cách dù. Đó là những lực lượng chủ lực cơ động nhằm đối phó với chủ lực cách mạng ở vòng ngoài. “Lực lượng an ninh lãnh thổ” bao gồm lực lượng địa phương quân, nghĩa quân, cảnh sát và cảnh sát dã chiến... Toàn bộ lực lượng này được sử dụng chống chiến tranh du kích, kìm kẹp nhân dân, đối phó với phong trào nổi dậy của quần chúng.

Cuộc duyệt binh “lên dây cót” cho quân đội Sài Gòn

Mặc dù có một đội quân đông đảo và khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ, nhưng nhìn chung tinh thần của quân đội Sài Gòn vẫn xuống rất thấp sau khi quân đội Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi Việt Nam. Sự ỷ lại vào phương tiện chiến tranh và tác chiến của quân đội Mỹ đã ăn sâu vào tiềm thức của quân đội Sài Gòn khiến khi quân Mỹ rút đi, để lại một “khoảng trống” không thể lấp đầy. Chính vì thế, để “lên dây cót” cho tinh thần quân đội và chính quyền Sài Gòn cũng như phô trương thanh thế, ngày 19/6/1973, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tổ chức một cuộc duyệt binh rất lớn nhân kỷ niệm Ngày quân lực.

Tại lễ duyệt binh, Nguyễn Văn Thiệu đã đọc một bài diễn văn dài, kích động quân đội Sài Gòn gia tăng các hoạt động chống cộng sản, mà thực chất là tranh thủ những điều kiện thuận lợi của Hiệp định Paris mang lại, tăng cường bình định, lấn chiếm miền Nam nhằm có thể đạt được những kết quả cao nhất, làm cơ sở nền tảng cho việc xây dựng một chính phủ liên hiệp trong trường hợp điều đó được thực thi.

Lễ duyệt binh có sự tham gia của đầy đủ các quân, binh chủng của quân đội Sài Gòn như lục quân, không quân, hải quân, pháo binh, tăng thiết giáp với những phi đội máy bay trực thăng, máy bay quan sát, mát bay tiêm kích, máy bay vận tải.. bay rợp trời, với hàng trăm phương tiện chiến tranh thuộc hàng hiện đại nhất thế giới lúc đó như xe tăng, đại bác, ra đa phòng không, pháo binh, đại diện lực lượng các nhà trường quân đội, trung tâm huấn luyện, địa phương quân, các đoàn bình định áo đen…

Lễ duyệt binh còn được kết hợp với triển lãm mừng chiến thắng, trưng bày những vũ khí mà quân đội Sài Gòn thu được của quân giải phóng qua các chiến dịch quân sự từ trước cho đến lúc đó.

Không ai nghĩ đội quân này sẽ sụp đổ chỉ chưa đầy hai năm sau.

Cuộc tháo chạy hỗn loạn của quân đội Sài Gòn khỏi Tây Nguyên, tháng 3/1975 (Ảnh tư liệu)

Sụp đổ mau chóng và thảm hại

Trước sự vi phạm Hiệp định Paris một cách trắng trợn của quân đội Sài Gòn, Trung ương Đảng thấy rõ bản chất hiếu chiến, phản động của tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu và thấy rằng con đường tiến lên của cách mạng miền Nam không có con đường nào khác là con đường cách mạng bạo lực.

Tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Nghị quyết khẳng định, trong bất kể tình huống nào, con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, chiến lược của cách mạng miền Nam vẫn là chiến lược tiến công, luôn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa, đấu tranh chính trị, quân sự ngoại giao, buộc địch phải thi hành hiệp định để thắng địch.

Các địa phương, sau một thời gian hi vọng vào khả năng thi hành hiệp định của đối phương, khả năng hòa giải, hòa hợp dân tộc và chính phủ liên hiệp ba thành phần, đã đẩy mạnh chống địch bình định, lấn chiếm, đồng thời đẩy mạnh tiến công địch, giành đất, giành dân.

“Khoảng trống” mà quân đội Mỹ để lại rất lớn, quân đội Sài Gòn dù có mạnh đến đâu cũng không thể “lấp đầy” được, chính vì thế, sau khoảng 6 tháng để cho địch lấn tới, quân và dân miền Nam bắt đầu phản công và tiến công trở lại, giành lại những vùng đất bị lấn chiếm.

Trong năm 1974, mặc dù có gây cho ta một số khó khăn, nhưng xu hướng thất bại của quân đội Sài Gòn là không thể tránh khỏi. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra, nhưng cuối cùng quân đội Sài Gòn đều chịu thất thủ. Trong lúc đó, sức mạnh tiến công của quân giải phóng càng đánh càng mạnh, đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, ta mở chiến dịch giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long mà quân đội Sài Gòn không có khả năng chiếm lại được.

Sau thất bại tại Buôn Ma Thuột, Nguyễn Văn Thiệu vấp phải một sai lầm chiến lược khi ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên. Cuộc lui binh chiến lược đã trở thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn khiến quân đội Sài Gòn đã mất thêm hàng trăm nghìn quân cùng hàng nghìn xe, pháo các loại trên con đường số 7 xuống đồng bằng.

Tiếp đến là chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng. Đà Nẵng là nơi tập trung binh lực của địch đến hơn 100.000 quân cùng những căn cứ quân sự kiên cố và khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ do Mỹ để lại, đã nhanh chóng thất thủ vào ngày 29/3/1975. Những tuyên bố tử thủ của những viên tướng Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng chìm vào trong sự thất bại hỗn loạn.

Ngày 26/4/1975, quân và dân ta ở miền Nam mở chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến lên giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4 lịch sử.

Chỉ trong chưa đầy 2 năm kể từ cuộc duyệt binh ngày 19/6/1973, quân đội Sài Gòn, được đánh giá là một quân đội mạnh thứ tư trên thế giới, đã sụp đổ mau chóng. Kể từ chiến dịch Tây Nguyên, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, khi vẫn còn nguyên vẹn quân số và phương tiện chiến tranh, quân đội Sài Gòn đã bị đánh bại hoàn toàn. Cuộc duyệt binh ngày 19/6/1973 trở thành cuộc duyệt binh cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước ngày sụp đổ.

 

[1] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 591.

[2] Nguyễn Văn Nhật (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam tập 13 từ năm 1965 đến năm 1975, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017, tr. 451.