Sáng 10/4, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, thảo luận và cho ý kiến đối với 15 nội dung tập trung vào hai nhóm vấn đề chính. Nhóm vấn đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Nhóm vấn đề về tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tại Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương xem xét, quyết định một số nội dung công tác cán bộ theo thẩm quyền, báo cáo Trung ương về tình hình đất nước, tình hình thế giới và khu vực. Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương những công việc quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay và các chuyên đề về hoàn thiện thể chế và đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trao đổi với phóng viên VOV, TS - nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, những quyết sách của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là một bước tiến có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc thực hiện Nghị quyết 18, để từng bước kiến tạo, phát triển một bộ máy tương thích với quy mô, tốc độ lớn mạnh của dân tộc, phù hợp với thế giới.
TS, nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
PV: Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá. Ông đặt kỳ gì về những nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này?
TS Nhị Lê: Sau 40 năm đổi mới, chúng ta đã tạo ra thế và lực mới cho đất nước, với những thành quả hết sức quan trọng và mang ý nghĩa lịch sử cho công cuộc đổi mới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa nhân loại tiến những bước dài rất quan trọng “1 ngày có thể bằng 10 năm, có thể bằng cả trăm năm”, thì đây là thời cơ đối với chúng ta.
Trên cơ sở thế và lực mới, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của những quyết định lịch sử trong tầm nhìn 2045. Đây là thời cơ vàng hoặc là hôm nay, hoặc là khó có thể, hoặc là không bao giờ. Trước ngưỡng cửa lịch sử đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn xa và có những quyết định mang tính lịch sử đưa đất nước vươn tới hùng cường trong tầm nhìn 2045.
PV: Theo ông, 15 nội dung được đặt lên bàn nghị sự lần này có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của đất nước?
TS Nhị Lê: Đây là những quyết sách hết sức quan trọng, trước hết là để hiện thực hóa những quyết sách của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 57 về khoa học công nghệ. Đối với thế giới, đây là thời kỳ phát triển rút ngắn, cũng là thời kỳ phát triển ngắn hạn.
Chúng ta muốn hiện đại hóa đất nước thì không có con đường nào khác mà phải đi thẳng vào khoa học công nghệ, trước hết là khoa học công nghệ cao. Đó là mũi đột phá để tăng nhanh lực lượng sản xuất. Là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Đồng thời, với mũi đột phá về khoa học công nghệ, lần này chúng ta thực hiện cải cách một cách toàn diện và mạnh mẽ cơ cấu hệ thống chính trị, trực tiếp là cải cách nền hành chính quốc gia, tinh giảm bộ máy. Không thể chấp nhận được một bộ máy vừa cồng kềnh nhưng lại vừa thừa, vừa thiếu, vừa tốn kém.
Điều quan trọng nhất, sự cồng kềnh này vô hình là lực cản cho công cuộc đổi mới đất nước. Do vậy, lần này Trung ương bàn đến cải cách tinh gọn, sắp xết tổ chức bộ máy có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây không chỉ là nền tảng mà còn là động lực, cùng với động lực rất mạnh mẽ là khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy phát triển của đất nước.
PV: Theo kế hoạch, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được báo cáo tại Hội nghị. Ông đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 18 thời gian qua như thế nào và sau Hội nghị Trung ương 11, việc triển khai cách mạng tin gọn, sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tiếp tục được thực hiện ra sao?
TS Nhị Lê: Tinh gọn bộ máy là một công việc đại sự để quyết định Việt Nam có vươn tới hùng cường hay không. Nếu chúng ta đánh mất sự khẩn trương, thời cơ chỉ đến một lần, chỉ đến trong một khắc. Nếu chúng ta buông lỏng thì không biết đến bao giờ thời cơ trở lại.
Thận trọng nhưng không trì trệ, khẩn trương nhưng không vội vàng. Điều đó rất khó. Nhưng mục tiêu của chúng ta đã rõ như thế. Tôi tin tưởng là chúng ta sẽ từng bước kiến tạo, phát triển một bộ máy tương thích với quy mô, tốc độ lớn mạnh của dân tộc, phù hợp với thế giới.
Tôi cho rằng, chúng ta có đầy đủ cơ sở và điều kiện để khẳng định rằng, những quyết sách của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần này là một bước tiến có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Có thể nói đây là một thời kỳ vàng, thời cơ vàng để chúng ta chỉnh đốn bộ máy tương xứng với tốc độ phát triển của công cuộc đổi mới trước thềm kỷ nguyên mới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lê Hoàng/VOV.VN
Thực hiện