Lễ hội phát lương đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân) là một trong những lễ hội lớn đầu năm của tỉnh Hà Nam, là nét văn hóa đẹp, kết nối quá khứ và tương lai, thể hiện niềm tin yêu, tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc danh bất hư truyền, vị Anh hùng dân tộc kiệt xuất, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; đồng thời, thể hiện khát vọng chân chính, thiêng liêng được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Đền Trần Thương, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Internet
Nhắc tới Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, dân gian có câu: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. Vào ngày trung tuần tháng giêng hàng năm, từ Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) đến đền Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam) và đền Bảo Lộc (Nam Định), du khách thập phương hành hương theo lộ trình chiêm bái, tôn vinh người anh hùng hào kiệt của dân tộc đã được suy tôn là bậc “Thánh”.
Trần Thương là mảnh đất địa linh, trù phú được họa thành thơ, khắc trên bức châm tại chính ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính: “Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân” (nghĩa là: Đất Trần Thương lắm phúc, hoa quả bốn mùa xuân) hay những câu ca truyền đời như: “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương”. Tương truyền trên đường đánh giặc Nguyên - Mông (thế kỷ thứ XIII), bằng nhãn quan của nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc và tầm nhìn chiến lược, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn nơi này để cất giữ lương thảo, khí giới phục vụ quân đội trong cuộc chiến, không chỉ thuận tiện chi viện cho tổng kho ở kinh thành Thăng Long mà còn có thể tiếp ứng quân lương cho các đạo quân ở Nam Thành (Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An). Đây cũng là nơi rất hiểm yếu, là trung tâm “lục khê đầu” (có 6 dòng chảy ra các cửa Long Xuyên, Xuân Khê, sông Châu, Tuần Vường, sông Hồng ra Phố Hiến rồi về Thăng Long). Chiến thắng trở về, Trần Quốc Tuấn đã mở kho lương chính (Trần Thương) tổ chức khao quân và nhân dân mừng chiến thắng, đồng thời, cắm sinh phần (đất xây mộ khi còn sống) và miễn tô thuế cho dân, từ đó xuất hiện thôn Trần Thương. Sau khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời, để tưởng nhớ công ơn của ông cùng các thuộc tướng và ghi nhớ dấu ấn địa điểm đặt kho lương, nhân dân trong làng đã lập đền trên đất đó để thờ phụng lấy tên là đền Trần Thương (kho lương của nhà Trần), đồng thời, tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương là Đức Thánh Cha, là “Cửu Thiên Vũ Đế” từ trên trời hiển ứng xuống giúp dân, giúp nước, diệt trừ ma quỷ, giặc giã. Cũng vì lẽ đó, đền Trần Thương trở thành tôn miếu linh thiêng của đất nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài ba ngôi đền thờ anh hùng Trần Hưng Đạo và tướng lĩnh nhà Trần ở Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương); Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam); Bảo Lộc (thành phố Nam Định) còn có ba ngôi đền khác thờ gia quyến Trần Hưng Đạo, đó là đền Trần ở Thái Bình; đền Trần Thanh Hóa và đền Kiếp Bạc bên bờ sông Lô (Tuyên Quang). Điểm chung là, hàng năm, các đền Trần đều có nghi thức khai ấn, phát ấn dịp đầu năm hoặc vào lễ hội “giỗ cha” tháng 8.
Lễ hội phát lương đền Trần Thương. Ảnh: Internet
Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, quân sự, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, tâm linh, du lịch. Năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương là di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2017 lễ hội đền Trần Thương đã được ghi danh vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.
Quần thể đền Trần Thương có quy mô kiến trúc lớn, tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng”, “Ngũ mã thất tinh”, được xây kiểu “Tứ thủy quy đường”, gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam; 2 giải vũ và 5 giếng. Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng. Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm, hàm chứa triết lý dân gian như: Lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời,… Không chỉ có kiến trúc độc đáo, linh thiêng, đền Trần Thương còn giữ lại được nhiều di vật, cổ vật, đồ thờ tự đẹp, có giá trị nghệ thuật cao, phong phú về thể loại, đa dạng về chất liệu như: Tượng thờ, ngai thờ, khám thờ, sập, nghê, rùa, bát hương, kiệu, hệ thống bát biểu, hoành phi, câu đối, đại tự. Đồ gốm sứ có lục bình, bát hương, bát đĩa, chén đôn, chuông cổ, nậm rượu. Đồ đá như rùa, nghê, voi, đỉnh hương, nhang án. Đồ giấy có 38 đạo sắc phong. Các chất liệu khác bằng bạc, bằng đồng như kiếm bạc vỏ đồi mồi, vòng bạc, chén bạc, lọ đồng, … Đặc biệt là chiếc kiếm bạc có vỏ được làm bằng đồi mồi rất quý chỉ được đưa ra thờ vào những ngày lễ hội. Tất cả góp phần làm nên giá trị của di tích.
Lễ hội phát lương đền Trần Thương được tổ chức long trọng tại ngôi đền chính, (nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương) vào giờ Tý (0 giờ) ngày rằm tháng giêng hàng năm, đúng thời điểm linh thiêng của Tết Nguyên Tiêu, trong tiết xuân trời đất giao hòa, với các nghi trình: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ; Lễ châm đuốc và dâng hương của các vị đại biểu cùng nhân dân và Lễ rước lương thảo vào làm mật lễ tại hậu cung.
Các thiếu nữ chuẩn bị túi lương tại đền Trần Thương. Ảnh: Internet
Theo chia sẻ của các bậc cao niên thôn Trần Thương, hàng năm cứ vào trung tuần tháng Tám âm lịch, các cụ đều có lệ rước nước và nhập lương từ sông Hồng. Ngày mùng 10 tháng Giêng, nhân dân thôn Trần Thương đã làm lễ cáo yết xin phép Đức Thánh Trần cho tổ chức lễ phát lương. Tục này nhằm tái hiện lại dữ kiện lịch sử về việc phát lương khao quân của quân đội Nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông trở về. Dựa trên những yếu tố lịch sử và tâm linh, từ năm 2010, tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ phát lương - hoạt động tín ngưỡng linh thiêng, cầu lộc, cầu phúc, cầu một năm sung túc, no đủ cho nhân dân và khách thập phương về đây lễ bái.
Nhân dân và du khách về dự lễ ai cũng nhận được túi lương (bên trong túi ngoài ấn, thẻ còn có 3 loại hạt chủ lực trong sản xuất của vùng đất Lý Nhân đó là ngô đỏ, đậu tương và hạt thóc nếp cái hoa vàng - tượng trưng cho một mùa màng bội thu với lương thực, phúc lộc dồi dào) cầu may ngày đầu xuân. Túi lương là lộc ban - cũng là lời nguyện của Đức Thánh Trần phù hộ cho một năm Quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, nhà nhà no ấm.
Lễ phát lương Đức Thánh Trần đầu xuân tại đền Trần Thương bên cạnh hoạt động tín ngưỡng tâm linh, cũng là dịp để nhân dân và du khách thập phương tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự, người chỉ huy trí dũng song toàn Trần Quốc Tuấn, người được vua Trần phong Quốc công Tiết chế, thống lĩnh ba quân, đánh tan giặc Nguyên - Mông, bảo vệ giang sơn Đại Việt, được vinh danh là một trong 14 danh tướng kiệt xuất của Việt Nam. Đồng thời, cũng là dịp để giáo dục truyền thống và khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước. Qua đó tôn vinh giá trị văn hóa lúa nước, giá trị lương thực trong đời sống con người, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc trong mỗi gia đình và trong toàn xã hội.
Nguyệt Nguyễn