Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa hiện nay, việc bảo lưu và phát huy các giá trị của tín ngưỡng này đã và đang là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt.
Bàn thờ gia tiên - Nơi thể hiện quan niệm tâm linh của người Việt về thế giới, về nhân sinh. Ảnh: Internet
Loại hình tín ngưỡng truyền thống mang tính phổ biến của người Việt Nam
Thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng xã hội có từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, đã từng tồn tại phổ biến ở hầu khắp các quốc gia, châu lục trên thế giới. Cho đến nay, thờ cúng tổ tiên vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vị trí và vai trò của nó trong đời sống tinh thần của con người ở mỗi quốc gia có ý nghĩa khác nhau.
Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên được quan niệm vừa như một phong tục truyền thống, vừa như một đạo lý làm người, lại vừa như một hình thức sinh hoạt tâm linh. Quan niệm phổ biến nhất hiện nay xem thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hiện được hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa hẹp, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hiểu là tục lệ thờ cúng đối với cha mẹ, ông bà và các thế hệ tổ tiên đã mất, có cùng huyết thống với chủ thể thờ cúng. Còn theo nghĩa rộng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ giới hạn về mặt huyết thống từ gia đình đến họ tộc mà còn được mở rộng ra cả tổ tiên làng xã, đất nước bao gồm thờ những người có công lập làng, giữ nước và những vị thần linh liên quan đến cuộc sống thường nhật của con người được nhân dân tôn vinh là thành hoàng, là Quốc tổ.
Về nguồn gốc của loại hình tín ngưỡng này, các nghiên cứu cho thấy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cùng huyết thống ra đời trong thời kỳ thị tộc phụ hệ với địa vị tối cao thuộc về người đàn ông. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được duy trì và phát triển còn do nền kinh tế tiểu nông theo kiểu tự cung, tự cấp tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử và vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Mỗi gia đình người Việt Nam là một cơ sở sản xuất độc lập, cũng là nơi tiêu thụ chính sản phẩm do họ làm ra. Vì vậy, mọi hoạt động và tâm thế của người dân Việt Nam thường chủ yếu hướng vào gia đình nhỏ của mình. Đó là một trong những lý do khiến thờ cúng tổ tiên huyết thống ở cấp độ gia đình được chú ý, quan tâm hơn cả. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu đoàn kết cộng đồng nhằm đối phó với thiên tai, giặc giã thường xuyên đe dọa cuộc sống, người Việt Nam còn tôn vinh, phụng thờ những người có công đem lại hạnh phúc, ấm no cho cộng đồng như là tổ tiên của mình. Ngoài ra, yếu tố tâm lý như sự sợ hãi, lòng biết ơn, sự kính trọng, tình thương yêu và đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt… cũng là những đặc điểm quan trọng góp phần hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Như vậy, ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hình thành khá sớm trong xã hội. Nó là một hình thái tín ngưỡng cổ truyền, có vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của xã hội.
Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc
Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng lâu đời, có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội. Bên cạnh cơ sở tâm lý, tình cảm, sự ra đời của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con người, từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Do đó, thờ cúng tổ tiên không chỉ là tập tục, tín ngưỡng mà còn là nghĩa vụ, là đạo làm người. Ở Việt Nam, dù trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử với sự giao lưu và tiếp biến văn hóa Nho – Phật – Đạo, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tuy đã có sự thay đổi, song ý nghĩa ban đầu của tín ngưỡng này không hề thay đổi. Nó luôn “là tấm lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng cuộc sống cho hậu thế, thể hiện niềm tin linh hồn người đã khuất vẫn về thăm, phù hộ cho con cháu ăn nên, làm ra, tránh gặp tai họa”[1], là cách con cháu báo hiếu với tổ tiên bằng việc cúng giỗ, thắp hương tưởng niệm, cẩn báo với tổ tiên mỗi dịp lễ tết, mỗi khi có việc trọng đại, như: hôn nhân, làm nhà, tang lễ....
Nơi thể hiện quan niệm tâm linh của người Việt về thế giới, về nhân sinh
Xuất phát từ quan niệm cổ xưa của người Việt cho rằng mọi vật đều có linh hồn, từ xa xưa, trong tín ngưỡng người Việt đã tôn sùng các vị thần thiên nhiên như thần cây, thần núi, thần đá… Sau này, dưới ảnh hưởng của quan niệm về cái hữu hình và cái vô hình, giữa cái sống và cái chết, người Việt tin rằng con người luôn có hai phần: phần hồn và phần xác. Chúng vừa gắn bó và tách biệt với nhau. Khi con người chết đi, thể xác trở về với cát bụi, nhưng phần hồn vẫn còn và tồn tại ở nơi suối vàng. Cuộc sống nơi cõi trần và cõi âm như phản chiếu nhau. Vì vậy, linh hồn người chết cũng có nhu cầu như ăn, mặc, chi tiêu… Hơn nữa, những linh hồn tổ tiên này có sức mạnh siêu nhiên có thể “có ảnh hưởng, chi phối đời sống số phận của con người”[2]. Vì vậy, con cháu cần cúng giỗ để tổ tiên không bị thiếu thốn nơi âm gian.
Niềm tin này đã in sâu vào trong đời sống tinh thần của nhiều tộc người ở Việt Nam. Trong văn hóa của người Kinh và người Mường, chết chưa phải là hết bởi những linh hồn người chết vẫn tồn tại quanh con cháu. Do đó, “khi có người chết họ đều cúng ngay bằng bát cơm quả trứng, cắm đũa bông vào bát cơm. Quả trứng để trên cạn là dương, bát cơm bằng gạo cấy trồng trong nước là âm, thân đũa tượng hình dương tính là dương, phần bông trên đầu đũa biểu hiện vật âm. Khi cái chết cũng như mọi cái có đủ âm đủ dương thì sẽ tốt, sẽ phù hộ cho con cháu được nhiều hơn’’[3].
Sợi dây liên kết giữa những con người hiện tại
“Trong các cuộc điều tra về tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo tiến hành từ 1995 đến nay thì số lượng người Việt thực hiện việc thờ cúng tổ tiên chiếm tỷ lệ trung bình là 98%”[4]. Việc thờ cúng tổ tiên không chỉ bó hẹp ở trong gia đình mà còn mở rộng ra các dòng họ. Mỗi dòng họ ở các địa phương đều có ngày giỗ Tổ, có nhà thờ Thủy tổ, nhà thờ các chi, ngành… Đây là cơ sở vật chất và tinh thần để hình thành và duy trì ý thức biết ơn, văn hóa thờ cúng tổ tiên và được truyền từ đời này sang đời khác, giúp con người sống tự hoàn thiện bản thân, đồng thời thắt chặt sợi dây đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, dòng họ và rộng hơn là quê hương, đất nước.
Có thể thấy, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng phổ biến của dân tộc Việt Nam. Mặc dù những nghi thức, cách thức biểu hiện đối với tổ tiên có sự khác nhau ở các tộc người, nhưng ý nghĩa của nó khá tương đồng, vẫn luôn là biểu hiện của đạo hiếu, của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Do đó, đây là một nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy qua các thế hệ người Việt.
[1] Trần Đăng Sinh (Chủ biên): Đạo lý uống nước nhớ nguồn cơ sở triết học và giá trị trong lịch sử dân tộc, Nxb Giáo dục Hà Nội, 2017, tr.44.
[2] Nguyễn Đăng Duy (Chủ biên): Văn hóa Việt Nam, đỉnh cao Đại Việt, Nxb Hà Nội, 2004, tr.351.
[3] https://baophapluat.vn/tin-nguong-tho-cung-gia-tien-giup-nguoi-viet-tri-an-nguon-coi-post389010.html.
[4] Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo năm 1995, 1998, 2001, 2003, 2005, 2007, Tư liệu Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Hà Phạm