Trong bài nói chuyện “Tình hình cách mạng và nhiệm vụ văn nghệ” với văn nghệ sĩ tại Hội nghị học tập nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng (13/10/1960), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đặt ra yêu cầu về "vốn" của văn nghệ sĩ, như yếu tố cơ bản trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, đồng thời là thước đo trọn vẹn nhất về phẩm chất chính trị, tài năng, phẩm hạnh đối với văn nghệ sĩ trong môi trường văn hóa ở mọi thời kỳ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo quan điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, để có những những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm, đáp ứng yêu cầu của nhân dân thì văn nghệ sĩ “phải có vốn, làm việc gì đều phải có vốn. Đối với văn nghệ sĩ, vốn ấy là vốn gì? Đó là vốn chính trị, vốn văn hóa, nghệ thuật và vốn sống. Ba loại vốn đó đều quan trọng, không nên coi nhẹ loại nào, và phải có những cố gắng to lớn và bền bỉ với ý chí rất cao, nhiệt tình rất dồi dào và lòng tin sâu sắc, để góp nhặt cho mình loại vốn đó”[1]. Điều này đề cập đến vấn đề rất lớn, mang tính thời sự và có hàm ý sâu sắc cho đến hôm nay.
Thứ nhất, vốn chính trị chính là vấn đề căn cốt mà “văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa phải theo đúng đường lối của Đảng, đứng vững trên lập trường chính trị của Đảng”[2]. Tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của người nghệ sĩ được biểu đạt rõ nhất thông qua tác phẩm – đứa con tinh thần của mình. Song chính “đứa con tinh thần” này phải hòa nhập vào sự vận động của “thượng tầng kiến trúc” theo quan điểm của Hồ Chí Minh để hòa nhịp với tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, dân tộc. Thấm nhuần tinh thần “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhiều lớp văn nghệ sĩ qua các thời kỳ trong lịch sử văn hóa của dân tộc đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật nâng bước toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi hoàn toàn cũng như những thành quả to lớn mà chúng ta đạt được trong công cuộc dựng xây, phát triển đất nước hôm nay.
Song bên cạnh sự vững vàng và cống hiến hết mình của đại đa số văn nghệ sĩ vì Tổ quốc và nhân dân vẫn còn đâu đó có người muốn “thoát ly” vốn chính trị mà mình đã từng được Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội đào tạo, bồi dưỡng để rồi “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, ngả nghiêng theo các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về Đảng và Nhà nước ta.
Chính vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vấn đề chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật và luôn nhắc nhở các nghệ sĩ phải luôn cố gắng tăng cường bồi dưỡng, giáo dục, ý thức tư tưởng chính trị thường xuyên. Có thể ví phẩm chất chính trị và tài năng (mà Người khái quát thành hai phạm trù “tài, đức” của người cán bộ cách mạng nói chung) như hai cánh của con chim, thiếu một cánh, chim không thể bay được, một cánh yếu, một cánh khỏe chim cũng không thể bay được xa.
Thứ hai, vốn văn hóa, văn nghệ là những hiểu biết về “văn hóa, văn nghệ của dân tộc ta và của thế giới là một loại vốn quan trọng”[3]. Trong môi trường văn hóa mới, trình độ dân trí ngày càng cao nên yêu cầu của họ đối với các loại hình tác phẩm nghệ thuật cũng tương ứng. Họ sẽ khó chấp nhận những sản phẩm được gọi là “tác phẩm” khi thưởng thức xong mà không “lĩnh hội” được bất kỳ tia sáng nào trong đời sống tinh thần của họ, thậm chí có tác phẩm đã cố tình lôi kéo họ trở về với thời kỳ mông muội với ý đồ đen tối! Từ âm mưu của các thế lực thù địch, những năm gần đây ở nước ta xuất hiện các trào lưu đòi giải thiêng các giá trị lịch sử của dân tộc, phủ nhận thành tựu của cách mạng, chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ. Có những quan điểm nhầm lẫn giữa cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống kẻ thù xâm lược với các cuộc nội chiến phi nghĩa, hao tổn máu xương được một số văn nghệ sĩ lên tiếng trên các diễn đàn…
Thực chất; am hiểu, nhạy cảm và nắm bắt thực tại khách quan để xây dựng hình tượng nghệ thuật là những yếu tố luôn đồng hành cùng với bất cứ văn nghệ sĩ nào. Tài nguyên văn hóa Việt Nam là cả một kho tàng đồ sộ, hàm chứa hệ thống giá trị to lớn. Chính vì vậy để chuyển hóa được tài nguyên văn hóa đồ sộ đó thành “vốn văn hóa” thì người văn nghệ sĩ phải không ngừng trau dồi kiến thức, tầm hiểu biết sâu rộng để không ngừng làm giàu tiềm năng sáng tạo của mình. Thực tế, có một số văn nghệ sĩ nào đó sẵn có khiếu, có tài song “không biết trau dồi cái vốn trời cho ấy” thì rồi cũng khó sáng tác được những tác phẩm có giá trị. Cho nên phải học, phải đọc, phải hiểu biết càng nhiều càng tốt, càng sâu càng tốt về văn hóa, văn nghệ của nước ta và thế giới”[4].
Thứ ba, vốn sống là “quan trọng bậc nhất đối với người làm công tác văn học, nghệ thuật”[5]. Hai loại vốn chính trị và vốn văn hóa, văn nghệ có thể nói là những tài liệu, tất nhiên rất quan trọng, nhưng cũng chỉ là những tài liệu giúp người nghệ sĩ trong sáng tác. Để sáng tác, người nghệ sĩ phải phát hiện và diễn tả hiện thực mới của đất nước.
Để có “vốn sống” người nghệ sĩ phải dấn thân, bắt nhịp được cùng sự vận động của môi trường văn hóa để mỗi tác phẩm trở thành là món ăn tinh thần “không thể thiếu” của nhân dân. Chính nhân dân sẽ sàng lọc, tôn vinh và xây dựng niềm tin từ những chất liệu cao quý mà văn nghệ sĩ đã dày công sáng tạo. Chỉ có từ đời sống, bắt nguồn từ đời sống mới có thể nảy nở những tài năng. Không có cách nào khác, muốn rèn luyện tài năng thì người nghệ sĩ phải trở về cái gốc của nghệ thuật là đời sống muôn màu muôn vẻ kia. Để phát hiện những năng khiếu, điều kiện cần có của tài năng cũng phải tìm từ đời sống. Chính vì thế, cuộc sống thực tế của nhân dân chính là nguồn gốc của văn hoá, do vậy văn hoá phải phục vụ nhân dân và nhân dân phải được thụ hưởng các giá trị văn hóa. Do vậy, tất cả những sản phẩm cho dù được xuất hiện dưới bất kỳ phương thức, dụng ý nào mà đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân cần phải loại bỏ.
Để kết thúc bài viết, tác giả xin nhắc lại những trăn trở của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Đặt vấn đề như vậy có nhiều quá không? Tôi nghĩ là không quá, mà phải đặt vấn đề như vậy, phải đòi hỏi như vậy, nếu không thì các đồng chí không sáng tác tốt được. Tất nhiên, phải dần làm những gì có thể làm, và phải kiên tâm làm cho được những điều cần làm”[6]. Gần 65 năm trôi qua nhưng những quan điểm chỉ đạo gần gũi như lời tâm tình của Thủ tướng với văn nghệ sĩ vẫn là nội dung căn cốt, mới mẽ trong quá trình lao động sáng tạo của mỗi văn nghệ sĩ ngày nay.
[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa, Văn nghệ; Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.365.
[2] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa, Văn nghệ; Sđd, tr.365.
[3] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa, Văn nghệ; Sđd, tr.367.
[4] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa, Văn nghệ; Sđd, tr.367.
[5] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa, Văn nghệ; Sđd, tr.368.
[6] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa, Văn nghệ; Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.369.
Phương Nam