Tây Nguyên từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận đi vào nhạc, vào thơ. Các tác phẩm “Em là hoa Pơ Lang”, “Hát mừng anh hùng Núp”, “Đất nước đứng lên”, Sử thi Tây Nguyên… vang vọng đất trời, như đưa ta đến với mùa hạnh phúc cao nguyên. Vẻ đẹp của hiện thực và nghệ thuật hòa quyện tạo nên một nét riêng độc đáo, một dấu ấn khó phai mờ trong lòng người mỗi khi đã đến.
Vẻ đẹp Tây Nguyên những ngày tháng Ba. Ảnh: Internet
Tây Nguyên của nước ta mùa nào cũng đẹp, bởi nơi đó mang nét đặc trưng, vẻ hiếm có của xứ sở cao nguyên đại ngàn hùng vĩ, vẻ đẹp của nền minh triết đặc thù, vẻ đẹp của con người thiện lành, chân chất hòa quyện cùng nét đặc sắc của văn hóa đa dân tộc. Không chỉ là vùng đất của cồng chiêng, của rượu cần, đàn T’rưng, nơi đây cũng là khởi nguồn của bao áng thơ hay, bao điệu nhạc khiến lòng người mê đắm. Đến Tây Nguyên những ngày tháng Ba để thấy vẻ đẹp của đất trời, vẻ đẹp của “lòng người” - Đó là những nụ cười, niềm hạnh phúc của người dân khi vụ mùa bội thu, khi luôn có sự quan tâm của Đảng và nhà nước ta, đặc biệt là khi được trao tặng những ngôi nhà khang trang, mới đẹp…
Có lẽ Tây Nguyên đẹp nhất vẫn là tháng Ba, ở đó sôi động các lễ hội truyền thống, người dân nô nức vui tươi, ở đó có vẻ đẹp của mùa hoa cà phê trắng muốt, hoa Pơ Lang trữ tình đỏ thắm, những đôi môi hé tươi và bao nụ cười xuyến xao:
“Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
(…) “Tháng Ba, mùa hoa Pơ Lang đang nở…”
Và tháng Ba, con người cũng thật chứa chan tình yêu và hạnh phúc:
“Tháng Ba, nguời Tây Nguyên chan chứa tình
Con tim xao xuyến, đôi môi hé tươi
Tháng Ba mùa suối rừng sôi sục
Tháng Ba, mùa hạnh phúc Tây Nguyên”[i]
Tây Nguyên cũng là vùng đất rất giàu tính lịch sử và văn hóa, là vùng đất của Sử thi. Sử thi Tây Nguyên thường gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ, bao đời nay ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư… Sử thi Tây Nguyên góp phần làm cho không gian đại ngàn nơi đây càng trở nên kỳ vĩ. Nó “sống” trong không gian núi rừng, trong đời sống dân dã, trong các lễ hội của đồng bào, các sinh hoạt văn hóa và trong tâm thức của người dân.
Trong đấu tranh vệ quốc, các dân tộc trên toàn lãnh thổ nước ta đã đoàn kết chiến đấu, và cũng có biết bao người đã ngã xuống cho độc lập tự do, trong đó có bà con vùng đất Tây Nguyên. Khi đất nước thống nhất, đời sống đồng bào Tây Nguyên nói chung, đặc biệt đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng được Đảng, nhà nước ta hết sức chăm lo, đã có rất nhiều chính sách quan tâm ưu đãi. Bản làng dù có xa xôi cách trở, các thầy cô giáo vẫn mang ánh sáng con chữ tới nơi đây. Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm… cũng được chú trọng đầu tư, người dân được hỗ trợ vốn làm ăn, các em nhỏ được lựa chọn học nghề, được đến trường miễn phí. Đặc biệt tháng Ba này trên các địa phương Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk sẽ xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở [ii].
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trao quà tặng 2 gia đình nhận nhà mẫu, quà động viên cán bộ Công an cơ sở trên địa bàn huyện Cư M'gar. Ảnh: Công an tỉnh Đắk Lắk
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta luôn nhắc nhở về tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong một cồng đồng chung – Việt Nam. Đoàn kết là động lực, là sức mạnh, đoàn kết cũng là “từ khóa” trọng yếu trong quản trị và chính trị. “Tóm lại chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”[iii] và theo Người cần quán triệt nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị” khi giải quyết các vấn đề dân tộc để tìm ra những điểm chung và tôn trọng nét đặc sắc riêng, tạo nên một sức mạnh chung tổng hợp để bảo vệ và dựng xây đất nước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nội dung: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[iv] .Trên cơ sở xác định con người là chủ thể, trung tâm, và là nguồn lực quan trọng nhất, là mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Điều này cũng đồng nghĩa đối với Tây Nguyên, việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển nguồn nhân lực, phát triển văn hóa con người Tây Nguyên hiện nay là những vấn đề đặt ra cấp bách.
Có nhiều giải pháp để phát triển nâng cao đời sống cho đồng bào Tây Nguyên ngày càng tốt đẹp ấm no hơn nhưng quan trọng nhất là phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Cần có những chính sách tập trung chuyên sâu hơn vào việc tổ chức lại sản xuất cho các buôn, làng đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo ra sinh kế bền vững; tập trung chú trọng hơn nữa cho phát triển giáo dục - đào tạo; có chính sách phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; phối hợp đồng bộ trong thực thi các chính sách, tích hợp các quy hoạch hệ thống giao thông nhằm nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt trong vùng, nhất là kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế - đô thị, vv…
Dù vẫn còn đó nhiều khó khăn vất vả nhưng nhìn chung, đời sống các đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã ngày càng trở nên ấm no tốt đẹp hơn. Nó là minh chứng sống động cho rất nhiều chính sách đúng đắn đã được triển khai, cho tình đoàn kết thắm nồng giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam ta; là minh chứng đập tan mọi luận điệu thâm độc bịa đặt hòng chia rẽ Tây Nguyên, chia rẽ đồng bào. Từ đó tiếp tục thắp sáng lên niềm tin và hy vọng về một mai Tây Nguyên giàu đẹp, cho hoa cà phê mãi trắng thanh tao, cho giọt rượu cần luôn nồng nàn say đắm, cho các cô gái Tây Nguyên vẫn luôn là những đóa Pơ Lang đỏ thắm, cho tiếng cồng chiêng luôn rộn rã khắp buôn làng, và cho những “mùa hạnh phúc” Tây Nguyên thêm nối dài mãi mãi.
[i] Trích “Tháng Ba Tây Nguyên”, tác giả Văn Thắng, thơ Thân Như Thơ.
[ii] Ngày 21/3/2024, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức trao tặng nhà mẫu tại huyện Cư M'gar và kinh phí xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
[iii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 75.
[iv] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập 1, Tr.34.
Nhâm Hồ