Nhà dài là chỗ ở truyền thống, nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của tộc người Ê Đê. Nhà dài là nơi ở chung có khi là của cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất. Bởi vậy, nên có huyền thoại rằng nhà dài như tiếng chiêng ngân…
Nhà dài Ê Đê. Ảnh: Internet
Ngôi nhà dài là biểu trưng cho hình thái cư ngụ truyền thống của buôn làng Ê Đê. Các học giả người Pháp, khi đặt chân lên vùng đất nam Tây Nguyên đã ghi chép điều này. Trong cuốn Người Ê Đê – một xã hội mẫu quyền, tác giả Anne de Hauteclocque-Howe đã viết: “Chỗ ở truyền thống của người Ê Đê là một ngôi nhà dài, sang, trung bình từ tám đến sáu mươi mét nhưng cũng có thể dài hơn nữa, được xây dựng vững chắc trên các cột và được lợp bằng tranh”[1]. Cũng như những dân tộc khác, ngôi nhà dài với người Ê Đê là nơi ở nhưng đồng thời cũng là nơi tiến hành các nghi lễ quan trọng của đời người, gắn bó với gia đình và cộng đồng. Loại trừ ba loại nghi lễ như tế Mẹ lúa diễn ra ở kho lúa hoặc rẫy, lễ ma chay tổ chức ở phần mộ, lễ cúng các thần linh thực hiện ở ngoài khuôn viên làng, còn lại, hầu hết các nghi lễ cúng vòng đời người đều diễn ra trong ngôi nhà dài. Vì đó mà các nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng, ngôi nhà dài của người Ê Đê ít nhiều mang tính thiêng.
Cách nay chừng trăm năm, những ngôi nhà dài của người Ê Đê đều làm từ gỗ, tranh, tre, nứa lá. Ngoài dấu ấn của nền văn minh thảo mộc, gắn bó với rừng thì ngôi nhà dài còn mang dấu vết tâm thức, tín ngưỡng vạn vật hữu linh của các tộc người ở Tây Nguyên. Cũng trong tác phẩm Người Ê Đê – một xã hội mẫu quyền, tác giả đã nhận xét: “Bản thân ngôi nhà đã được coi như một vật có phần linh thiêng, vì nó được làm bằng gỗ, mà gỗ dưới dạng cây cối trong rừng là nơi trú ngụ của các vị Thần vạn năng… Mọi sửa chữa hay thay đổi trên chính công trình, sàn nhà, hiên nhà hay bổ sung một vật dụng trong nhà, đều đòi hỏi phải có lễ hiến sinh mới…”[2]. Chính sự thiêng hóa không gian ở và các vật dụng liên quan mà người Ê Đê có những cấm kỵ nghiêm ngặt với các thành viên. Có những hành vi được xem là nghiêm trọng, cần có lễ hiến sinh để hóa giải. Chẳng hạn, một nhát chém vào cầu thang dẫn lên ngôi nhà là điều tối kỵ, như thể hạ cây gỗ để làm chiếc quan tài. Hành vi này tương đương với việc coi ngôi nhà là chiếc quan tài và những người sống trong đó đều trở thành những người đã chết. Nếu hành vi này diễn ra thì cần phải bỏ ngay ngôi nhà kèm theo một lễ hiến sinh cho posang để tẩy rửa sự ô uế.
Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng, thể hiện qua các hình thái vật thể và phi vật thể. Ngôi nhà là không gian ở của các gia đình, tùy theo văn hóa mỗi dân tộc mà có sự khác biệt. Nhiều người nghiên cứu chưa thấu đáo cho rằng, ngôi nhà dài của người Ê Đê có những bất cập. Tuy nhiên, nếu tiếp cận văn hóa theo dòng chảy lịch đại sẽ thấy, những ngôi nhà dài của người Ê Đê chứa đựng một mẫu số văn hóa chung cho tộc người. Nó chứa đựng một minh triết ngầm về đời sống của thị tộc và bộ lạc xưa, nơi cá nhân cần có sợi dây nối kết gia đình và cộng đồng để tồn tại. Cao hơn nữa, đó là niềm vui của sự chia sẻ và được chia sẻ. Như chính nhà nghiên cứu dân tộc học Anne de Hauteclocque-Howe đã chỉ ra: Những dịp tế lễ trong cuộc đời một người thực tế là rất nhiều, rõ ràng nhà càng đông người thì lễ hiến sinh trong nội bộ của nhà đó càng thường xuyên, các tiếp xúc với xóm giềng, với các sui gia và với phần còn lại của gia đình cũng càng thường xuyên hơn, dù cho mức độ giàu nghèo của cả nhà là như thế nào. Vì vậy người Ê Đê thích cuộc sống trong ngôi nhà dài mà họ cho là moăk, nghĩa là hạnh phúc, mặc các bất tiện của đời sống.
Hiện nay đến Tây Nguyên, rất dễ nhận thấy những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê đang dần biến mất. Cũng còn, nhưng không nhiều lắm, chỉ một vài ngôi nhà dài cổ xưa như ở thác Bảy Nhánh, trên đường đi Buôn Đôn, hay ở buôn du lịch Ako Don. Có thể, cuộc sống đang vận động thì văn hóa cũng theo đó mà biến đổi, không hẳn cái gì cũng bất di bất dịch. Tuy nhiên, cảm giác về một thứ vật chất gắn với đời sống hàng trăm năm, những phận người nhiều thế hệ nối nhau cộng hưởng và bồi đắp nên cội rễ văn hóa truyền thống cả tộc người thì hẳn đây đang là sự mất mát.
Dù gì thì bất cứ tộc người nào, nền văn minh nào trên thế giới đều phải trải qua những tiếp biến, thay đổi trong dòng chảy chung của văn minh nhân loại. Mọi sự biến đổi về đời sống kinh tế - xã hội do các nền văn hóa gặp gỡ, giao thoa sẽ dẫn đến những thay đổi mà trong đó dễ nhận ra nhất là sự thay đổi về không gian cư trú. Theo một số tài liệu của các nhà nghiên cứu, ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê bắt đầu biến cải từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Nguồn gốc kép của sự biến cải, theo các nhà nghiên cứu là do một phần tự phát, trong khuôn khổ ngôi làng truyền thống, phần còn lại là do sự can thiệp của bộ máy hành chính và các nhà truyền giáo thời bấy giờ.
Với độ lùi thời gian và những nghiên cứu sâu rộng, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã nhận ra những gì tốt đẹp cần lưu giữ, bảo tồn của văn hóa truyền thống, trong đó có hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê. Vài năm qua, hình ảnh những lễ hội, nghi thức cúng tế gắn với ngôi nhà dài đã được gầy dựng, trở thành cảm hứng cho du khách và niềm vui cho cộng đồng ở một số buôn làng Ê Đê. Hy vọng, từ sự chăm chút, giữ gìn và lan tỏa, hình ảnh ngôi nhà rông mái cao vút như lưỡi rìu vươn lên trời xanh ở vùng bắc Tây Nguyên, và ngôi nhà dài như tiếng chiêng ngân ở vùng nam Tây Nguyên theo mô tả trong trường ca Đam San sẽ là hình ảnh lưu lại trong ký ức của du khách một lần đến với cao nguyên bazan hùng vĩ và huyền ảo.
[1] Anne de Hauteclocque-Howe (2018), Người Ê Đê – một xã hội mẫu quyền, Nxb Tri Thức, tr.162
[2] Sđd, tr. 183
Triều Nguyễn