Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức “Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2023” từ ngày 13-16/7. Lễ hội thực sự là điểm nhấn ấn tượng, đã kết nối văn hóa 2 dân tộc. Đó là cơ sở vững chắc để thúc đẩy mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng trong giai đoạn mới.
Cầu đi bộ bắc ngang qua đường Nguyễn Tất Thành hướng đến 50 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (Đà Nẵng)
Từ ngày 13-16/7 tại thành phố Đà Nẵng, Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2023 được diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hoạt động này được tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay, đây là lần thứ 8 thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ hội Việt - Nhật nhằm phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản cũng như Đà Nẵng với các địa phương của Nhật Bản.
Tại buổi lễ khai mạc ngày 13/7, ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, đây là hoạt động quan trọng để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam (21/9/1973 - 21/9/2023). Mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa… hiện được đánh giá đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Thành phố Đà Nẵng và các địa phương ở Nhật Bản đã có quan hệ hợp tác phát triển mạnh mẽ, nhất là trong 10 năm qua, kể từ khi bắt đầu tổ chức Lễ hội này.
Chuỗi các hoạt động văn hoá, nghệ thuật diễn ra liên tục trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2023 như: các tiết mục trình diễn trà đạo; nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản; võ thuật; giao lưu ẩm thực; giao lưu nghệ thuật; các gian hàng giới thiệu thông tin, văn hóa và sản phẩm Việt - Nhật; đêm nhạc rock Việt - Nhật; ngày hội truyện tranh; giao lưu với các nghệ sĩ Nhật Bản nổi tiếng; các đoàn, nhóm nghệ thuật Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn; hội thảo xúc tiến hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; hội thảo giới thiệu du lịch Nhật Bản; ngày hội thông tin du học Nhật Bản; công viên ánh sáng với 500.000 đèn LED thắp sáng bờ tây cầu Rồng…
Thông qua các hoạt động văn hoá, nghệ thuật diễn ra trong Lễ hội, người dân Việt Nam và Nhật Bản tại Đà Nẵng có thể hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, nghệ thuật của hai nước, tận hưởng niềm vui trong các hoạt động giao lưu. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc để thúc đẩy mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng trong giai đoạn mới.
Trong giai đoạn vừa qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác hàng đầu của thành phố Đà Nẵng. Điều đó được khẳng định khi có hơn 222 doanh nghiệp, văn phòng đại diện và dự án Nhật Bản có trụ sở tại Đà Nẵng, với tổng số vốn FDI hơn 1 tỷ USD. Các hoạt động Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với 20 tỉnh, thành của Nhật Bản, trong đó, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản (Kawasaki, Sakai, Yokohama và Kisarazu).
Đặc biệt, trong khuôn khổ các hoạt động, ngày 01/7, Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) tổ chức Lễ khánh thành cầu đi bộ bắc ngang qua đường Nguyễn Tất Thành. Đây là công trình do tập đoàn Mikazuki là chủ đầu tư nhằm kỷ niệm một năm khai trương khách sạn Mikazuki tại Đà Nẵng và hướng đến 50 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Công trình cầu đi bộ giúp người dân, du khách tại Đà Nẵng có sự an toàn khi tham gia giao thông và góp phần phát triển kinh tế, du lịch… Công trình được thiết kế từ cảm hứng nghệ thuật đan dây của người Nhật, 2 trụ cây cầu như 2 nút thắt - biểu tượng mối quan hệ hữu nghị bền chặt của 2 đất nước; cây cầu còn gợi hình tượng sóng biển; có hai đài vọng cảnh hết sức ấn tượng…
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ gần gũi, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, cùng có sự ảnh hưởng đạo Nho - Phật - Đạo trong quá trình phát triển đất nước. Quan hệ giưa hai nước được khẳng định rõ nét từ nửa đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong coi trọng người Nhật: “với người Nhật, thương gia Nhật, chúa thấy sự khiêm cung, lễ độ, tự trọng, tín nghĩa cùng văn hoá giống người Việt, lại theo Nho giáo, thờ Phật giáo (…). Chúa Nguyễn cần nhiều khí giới và khí giới tốt nên ngoài quan hệ với nước Nhật để cung cấp”[1]. Minh chứng “lịch sử sống” rõ nhất còn để lại đó là chùa Cầu - Nhật Bản, nay được xem là biểu tượng của Hội An. Song sau năm 1635, nước Nhật có chủ trương cấm đạo Công giáo, hạn chế hoạt động giao thương, từ đó mối quan hệ giao thương với người Nhật bị đứt gãy, nên phố Nhật vốn làm ăn phát đạt, phồn thịnh tại Hội An ở nửa đầu thế kỷ XVII, sau này chỉ còn thưa thớt.
Mối quan hệ này được khẳng định rõ nét hơn ở đầu thế kỷ XX, khi nhiều nhà Nho Việt Nam xem Nhật Bản là mẫu hình, là cứu tinh của các dân tộc da vàng, giúp thoát khỏi ách thống trị của đế quốc da trắng. Bởi sau khi cải cách, duy tân Minh Trị, nước Nhật trở thành một quốc gia tiên tiến, tư bản giàu mạnh. Phan Bội Châu và Nguyễn Thành đã sáng lập Duy Tân Hội, Phong trào Đông Du, thống nhất chủ trương xuất dương cầu viện Nhật Bản và để đào tạo nhân tài cho công cuộc cứu nước. Phong trào Đông Du được các nhân sĩ, trí thức, chính khách người Nhật cưu mang, giúp đỡ. Phong trào đang hoạt động hiệu quả thì một lần nữa mối quan hệ đứt gãy khi thực dân Pháp cấu kết với Chính phủ Nhật ra lệnh giải tán, đàn áp phong trào. Dù vậy, phong trào đã đào tạo nên nhiều nhân tài có chí khí, có tư tưởng mới, tiến bộ để cứu nước và đưa đất nước phát triển.
Trong giai đoạn đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc (1954 - 1975), chính sách đối ngoại của Nhật phụ thuộc sâu sắc vào nước Mỹ, nên chủ yếu quan hệ về kinh tế ở miền Nam. Tuy nhiên, mối quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Nhật Bản cũng được xác lập vào ngày 21/9/1973 tại Paris. Đặc biệt, với chủ trương Đổi mới, Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ ngày càng rộng mở trên nhiều lĩnh vực. Dấu ấn quan trọng khẳng định mối quan hệ lên tầm cao mới, thắt chặt tinh thần đoàn kết, hữu nghị hợp tác là vào năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm Nhật Bản, và năm 1994, Thủ tướng Nhật Bản sang thăm Việt Nam.
Như vậy, trong tiến trình lịch sử, hai quốc gia gần gũi về địa lý, văn hóa, lịch sử… đã sớm xác lập quan hệ từ nhiều thế kỷ trước. Dù có những bước thăng trầm trong lịch sử, song quan hệ hợp tác, hữu nghị đã thành truyền thống là cơ sở vững chắc cho mối quan hệ gắn bó ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc. Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2023 tại thành phố Đà Nẵng là những biểu hiện cụ thể, sâu sắc nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.
[1] Nguyễn Văn Xuân (2020), Toàn tập, tập 4, NXB Hội Nhà văn, HN., tr. 229-230.
Anh Vũ