Ở nước ta, bảo hiểm xã hội là một chính sách an sinh xã hội lớn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng thực hiện. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài bảo hiểm xã hội cũng chỉ phục vụ đối tượng là người lao động làm công, ăn lương, còn trên 60% lực lượng lao động Việt Nam (khoảng 33 triệu người) làm việc tự do, không có hợp đồng lao động như thợ xây, người bán hàng rong, tài xế xe ôm hay lao động mùa vụ trong nông nghiệp, đa số họ khó khăn về kinh tế với nhiều nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe thì lại chưa có chính sách bảo hiểm tai nạn lao động. Mặt khác, qua khảo sát điều tra, chỉ tính riêng số người chết do tai nạn lao động khu vực này là khoảng 1.400 người/năm (gấp khoảng 2 lần khu vực có quan hệ lao động) và đang tiếp tục gia tăng. Điều này tạo ra những gánh nặng lớn cả về vật chất, tinh thần cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Vì vậy, song song với chính sách chủ động phòng ngừa để tránh bị tai nạn lao động, ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động để chia sẻ rủi ro cho những người lao động không có hợp đồng lao động. Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 chắc chắn sẽ giúp giảm bớt khó khăn phần nào cho những lao động không có quan hệ lao động, mang lại sự hỗ trợ cần thiết trong các trường hợp rủi ro. Một số nội dung chính của Nghị định số 143/2024/NĐ-CP như sau:
1. Đối tượng và các quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
- Đối tượng được tham gia: người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động khi đáp ứng đủ 02 điều kiện: (1) từ đủ 15 tuổi trở lên (2) Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm: (1) Được tham gia và hưởng các chế độ BHXH; (2) Được cấp và quản lý sổ BHXH; (3) Nhận các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đầy đủ, kịp thời; (4) Ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; (5) Được cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH; (6) Được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; (7) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định.
2. Điều kiện được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Căn cứ Điều 5 Nghị định số 143/2024/NĐ-CP, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị suy giảm khả năng lao động ≥ 5% do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Và không phải trường hợp bị tai nạn do một trong 03 nguyên nhân sau: (1) Mâu thuẫn với người gây ra tai nạn mà không liên quan tới công việc, nhiệm vụ lao động (2) Người lao đông cố ý tự hủy hoại sức khỏe bản thân (3) Sử dụng ma túy, chất gây nghiện trái quy định.
3. Mức đóng, phương thức đóng và thời điểm đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
- Theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động có thể đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện qua 2 phương thức 06 tháng một lần hoặc đóng 12 tháng một lần.
- Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau: (1) Mức đóng 06 tháng bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV; mức đóng 12 tháng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV1.
- Thời điểm đóng: Lần đầu là ngay sau khi đăng ký tham gia bảo hiểm, từ các lần tiếp theo là trong 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng.
4. Mức hưởng trợ cấp khi bị tai nạn lao động
Theo Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện một lần từ năm 2025 được quy định như sau:
- Trường hợp bị giảm khả năng lao động từ 5% - 100%:
Mức trợ cấp một lần |
= |
Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động |
+ |
Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện |
Trong đó:
+ Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động: Bằng 03 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV.
+ Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
- Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động: thân nhân người lao động được hưởng mức trợ cấp 1 lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV là 108.675.000 triệu đồng
5. Mức tiền Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm
Theo Điều 12 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động như sau: bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn; bằng 10% đối với người lao động khác.
6. Hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Theo Điều 22 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, khi bị tai nạn lao động, để được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm: Sổ BHXH; Giấy ra viện/trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động; Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử, bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án với trường hợp chết do tai nạn lao động; Biên bản điều tra tai nạn lao động; Đơn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người lao động hoặc thân nhân người bị nạn với trường hợp tai nạn lao động chết người; Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người lao động bị nạn nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện:
- Trong 30 ngày kể từ thời điểm nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
- Trong 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm bị chết.
Theo đó, trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ cho người bị tai nạn. Trường hợp không giải quyết, người lao động có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan
a. Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; giải quyết khiếu nại, tố cáo, hướng dẫn về điều tra lại các vụ tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; trình Chính phủ quyết định điều chỉnh mức đóng, việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
b. Về phía Bộ Y tế: hướng dẫn về hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
c. Về phía bảo hiểm xã hội: Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chi tiết các thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm; thực hiện việc thu, chi trả; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; quản lý, sử dụng, theo dõi riêng tình hình thu, chi Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cùng với Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo yêu cầu của Đoàn điều tra tra tai nạn lao động, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và người lao động hoặc tổ chức đại diện; giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo quy định của pháp luật.
d. Về phía Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; điều tra các vụ tai nạn lao động; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật Giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn mình; Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật; báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chỉ đạo các cơ quan liên quan lập dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của địa phương cho các đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, căn cứ vào số thực hiện trong năm trước liền kề hoặc tương đương với mức hỗ trợ bảo hiểm tự nguyện về hưu trí, tử tuất, đảm bảo tuân thủ theo quy định mọi khoản thu, chi ngân sách phải có dự toán; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp bảo đảm ngân sách để hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho người lao động tham gia theo quy định tại Nghị định này.
1 Mức đóng là 207.000 đ/ 6 tháng hoặc mức 414.000 đ/ 12 tháng