Công tác dân vận có vai trò quan trọng nhằm củng cố và bồi đắp mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Với mục tiêu “xây dựng tỉnh Bình Thuận phát triển về mọi mặt, tạo thế đi lên vững chắc”, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng quan điểm “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1], từ đó đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác dân vận trong thời gian qua:
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương về công tác dân vận. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước tại Bình Thuận đã triển khai các biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, tạo chuyển biến rõ về nhận thức trong thực hiện công tác dân vận. Các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận đảm bảo theo sự chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; tập trung triển khai, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo” của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Con nuôi Biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” của bộ đội Biên phòng tỉnh; hằng năm giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Cảnh sát biển Vùng 3 triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành với ngư dân tiếp tục “vươn khơi, bám biển”.
Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Tại các cấp, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Bình Thuận được củng cố; tăng cường trách nhiệm của từng thành viên. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, Ban Chỉ đạo đã thành lập 29 tổ, kiểm tra 92 cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp; tổ chức giám sát Dự án Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết (dự án này đã bị thu hồi năm 2023 sau khi chủ đầu tư vướng hàng loạt sai phạm, bị đối tác tố cáo), Dự án Kè sông Cà Ty... Các địa phương, đơn vị thành lập 82 tổ và kiểm tra 301 cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp[2]. Đối với các lĩnh vực phức tạp, thu hút sự quan tâm của nhân dân hoặc báo chí phản ánh,Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo xử lý và định hướng thông tin để ổn định an ninh trật tự.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các cấp: Theo đó, các cấp, các ngành đã kịp thời rà soát quy trình nội bộ để rút ngắn thời gian giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân; công khai, niêm yết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện, cấp xã. Đến nay, trên toàn tỉnh đã đầu tư và triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho 17/19 cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 đơn vị cấp xã với tổng số 586 dịch vụ công còn hiệu lực; tích hợp 550 /586 dịch vụ công lên cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 93,85% và 100% dịch vụ công được hỗ trợ sử dụng, giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp.[3]
Việc tổ chức thực hiện Hướng dẫn số 11-HD/TU ngày 09/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng đi vào nền nếp, thiết thực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 227 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, doanh nghiệp; trong đó, 02 cuộc cấp tỉnh, 32 cuộc cấp huyện và 193 cuộc cấp xã [4]. Định kỳ hằng năm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đối thoại với cán bộ công đoàn, công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp và cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh về những nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của từng tổ chức. Thông qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhân dân và doanh nghiệp.
Ảnh: Bãi biển thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
(Nguồn: VnEconomy)
Những kết quả nổi bật trong công tác dân vận đã góp phần phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển quê hương Bình Thuận. Năm 2024, kinh tế của tỉnh tăng trưởng cơ bản ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,25% so với năm 2023. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 49.240 tỷ đồng, tăng 10,64% so với năm 2023[5]. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận phát huy sức mạnh của nhân dân trong thời gian tới cần:
Một là, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận trong thời kỳ mới; kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quyết định của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận.
Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo tinh thần Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.234.
[2] Tỉnh ủy Bình Thuận: Báo cáo số 417-BC/TU, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
[3] Tỉnh ủy Bình Thuận: Báo cáo số 417-BC/TU, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 .
[4] Tỉnh ủy Bình Thuận: Báo cáo số 417-BC/TU, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
[5] Tỉnh ủy Bình Thuận: Nghị quyết số 17-NQ/TU về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.