Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong năm 2024, tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả nổi bật trong việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, hướng tới một nền hành chính minh bạch, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Về xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu. Hệ thống truyền dẫn cáp quang cùng với mạng Internet băng rộng đã được phủ sóng đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ công. Đặc biệt, việc đầu tư nâng cấp mạng di động 4G và 5G đã đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Đối với hạ tầng dữ liệu, tỉnh đã  chú trọng xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối và tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết thủ tục hành chính, giúp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu thời gian cho người dân. Hệ thống hội nghị truyền hình được mở rộng đến cấp xã với gồm 133 điểm cầu: 02 điểm cầu tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, 10/10 điểm cầu tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện và 121/121 điểm cầu tại Uỷ ban nhân dân cấp xã cùng với các hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ và xác thực người dùng, đã tạo nên một môi trường làm việc số hóa hiện đại và tiện lợi. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh cũng đã hoàn thành việc nâng cấp, đảm bảo an toàn thông tin mạng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền. Tất cả những nỗ lực này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ công mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận trong kỷ nguyên số.

Về xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng

Tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát triển hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả các nền tảng số do tỉnh đầu tư như: Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối các hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương; Hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục (VN-edu); Hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh ngành y tế; Hệ thống thông tin báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh vào công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay Uỷ ban nhân dân tỉnh đang triển khai xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận, phiên bản 3.0.

Về xây dựng, phát triển khai thác dữ liệu số

Tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc xây dựng và phát triển dữ liệu số, hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng của tỉnh (gồm cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở dữ liệu hộ tịch và hồ sơ sức khỏe điện tử) đã được xây dựng và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Các cơ sở dữ liệu khác đang trong quá trình hoàn thiện bao gồm đất đai, tài nguyên khoáng sản và y tế, với dữ liệu mở được cung cấp tại website https://opendata.binhthuan.gov.vn. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã tích hợp đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện liên thông điện tử đối với các thủ tục như đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Từ ngày 22/01/2024, chức năng số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã chính thức hoạt động. Ngoài ra, ứng dụng Evernet đã được triển khai để theo dõi, đôn đốc giải quyết hồ sơ, cung cấp thống kê tình trạng hồ sơ hằng ngày, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.

Ảnh: Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

(Nguồn: https://https://binhthuan.gov.vn)

Về xây dựng, phát triển các ứng dụng dịch vụ nội bộ và phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp

Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh, phần mềm Quản lý công việc được giao của Uỷ ban nhân dân  tỉnh duy trì hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả; nâng cấp bổ sung một số tính năng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện và cấp xã được cấp chứng thư số và sử dụng chứng thư số; hệ thống Điều hành chính quyền điện tử tỉnh được triển khai thí điểm chính thức tại 98 cơ quan, trong đó có 30 cơ quan, đơn vị, địa phương là các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được triển khai đầy đủ các tính năng phần mềm và 68 cơ quan, đơn vị triển khai chức năng họp không giấy. Hiện nay, trang thông tin điện tử của 121/121 xã, phường, thị trấn đã đi vào hoạt động nhằm phục vụ cho công tác quản lý của chính quyền địa phương, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Bình Thuận cũng đã triển khai sử dụng ứng dụng Công dân số Bình Thuận cài đặt trên các thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng…) trong phạm vi toàn tỉnh từ ngày 19/4/2024.

Về xây dựng, phát triển đô thị thông minh

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bình Thuận đã được xây dựng, được ví như “bộ não số”, đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, chỉ huy và điều hành toàn bộ hoạt động của địa phương. Với khả năng thu thập, chuẩn hóa, phân tích và xử lý dữ liệu, IOC cung cấp thông tin kịp thời, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, IOC cũng là công cụ hiệu quả để các sở, ban, ngành chuyên môn và Ủy ban nhân dân các cấp giám sát và tham mưu.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Tỉnh Bình Thuận đã mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, tỉnh đã triển khai 859 dịch vụ công trực tuyến cho các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, 10/10 đơn vị cấp huyện và 121/121 đơn vị cấp xã, trong đó có 668 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 191 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỉnh đã tích hợp 740/859 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 86,15%. Ngoài ra, các cơ quan ngành dọc thuộc Trung ương cũng đã triển khai dịch vụ công trực tuyến theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Những kết quả trên cho thấy trong thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã và đang nỗ lực không ngừng để xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả. Những cải cách này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu./.