Dưới tác động mạnh mẽ, sâu rộng của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mô hình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên kết vùng ngày càng được coi trọng và trở thành xu thế tất yếu ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh định hướng phát triển vùng và liên kết vùng, trong đó vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước[1]. Trong bối cảnh đó, đề xuất sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm hình thành một siêu đô thị - siêu trung tâm kinh tế không chỉ mang tính chiến lược mà còn tạo nên sức hút lớn đối với dư luận. Đây được xem là bước đột phá nhằm tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương, khắc phục tình trạng phân tán, thiếu đồng bộ trong quản lý, hướng đến mục tiêu xây dựng một vùng kinh tế năng động, hiện đại, có sức cạnh tranh mạnh mẽ.
Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều có lịch sử hình thành lâu đời, gắn liền với tiến trình khai phá và phát triển vùng đất phương Nam của dân tộc Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh (tên gọi cũ là Sài Gòn) được hình thành từ năm 1698 khi Chúa Nguyễn cử Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phương Nam. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập năm 1877 và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam. Ngày 27/4/1931, Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh nhập hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn để thành lập khu Sài Gòn - Chợ Lớn.. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh chính thức ra đời ngày 02/7/1976. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của Việt Nam với diện tích 2.098km2, dân số hơn 9,5 triệu người[2], giữ vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng nhất của cả nước.
Tỉnh Bình Dương vốn là một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Qua các lần thay đổi địa giới, ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Dương được tái lập với 4 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 77 phường, xã, thị trấn. Đến năm 2024, tỉnh Bình Dương có diện tích 2.695 km2, dân số khoảng 2,762 triệu người[3]. Hiện nay, tỉnh Bình Dương phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hiện đại, hạ tầng giao thông đồng bộ và là nơi thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hình thành từ năm 1698, là một tổng thuộc huyện Phước Long, phủ Gia Định. Trước năm 1975, khu vực này trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính. Năm 1979, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập, trên cơ sở thị xã Vũng Tàu tỉnh Đồng Nai, xã Long Sơn huyện Châu Thành Đồng Nai và huyện Côn Đảo tỉnh Hậu Giang. Ngày 12/8/1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tái lập trên cơ sở đặc khu cũ và một số huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, diện tích tự nhiên toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 1.989,56 km[4], với dân số khoảng 1,3 triệu. Với vị trí chiến lược, đường bờ biển dài và hệ thống cảng biển quan trọng, tỉnh phát triển mạnh công nghiệp, dầu khí, du lịch biển và dịch vụ logistics.
Theo phương án đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh mới sau khi sáp nhập ba đơn vị hành chính cấp tỉnh trên sẽ trở thành một siêu đô thị quy mô nhất cả nước với diện tích hơn 6.770 km2, dân số gần 14 triệu người[5]. Đây sẽ là vùng đô thị lớn nhất cả nước, hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành trung tâm kinh tế - tài chính, khoa học - công nghệ, công nghiệp - dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Ảnh: 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(Nguồn: Báo Dân trí)
Phương án sáp nhập này hứa hẹn mang lại nhiều tác động tích cực, mở ra những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Thứ nhất, về kinh tế và phát triển vùng. Sự hợp nhất 3 địa phương trên sẽ hình thành một cực tăng trưởng mới cho đất nước, với quy mô lớn về dân số, diện tích và nguồn lực; tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các khu kinh tế lớn và kết nối hiệu quả chuỗi sản xuất - tiêu dùng. Liên kết hạ tầng cũng sẽ được đẩy mạnh, tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt trong các dự án giao thông trọng điểm như đường vành đai, đường cao tốc, cảng biển và logistics.
Thứ hai, việc sáp nhập sẽ giúp phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm tài chính, khoa học - công nghệ; tỉnh Bình Dương nổi bật với hạ tầng công nghiệp hiện đại; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là “cửa ngõ” ra biển với hệ thống cảng nước sâu và tiềm năng du lịch biển. Về quản lý nhà nước, sáp nhập 3 địa phương sẽ giúp đơn giản hóa bộ máy hành chính, loại bỏ tình trạng chồng chéo, phân tán nguồn lực và cục bộ địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành phát triển vùng.
Thứ ba, về xã hội - dân sinh. Việc phân bố lại dân cư sau sáp nhập sẽ giúp giảm áp lực dân số và hạ tầng lên Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân trên toàn vùng đô thị mới. Đây là cơ hội để phát triển một đô thị thông minh, đáng sống và bền vững.
Bên cạnh những cơ hội phát triển, phương án sáp nhập ba địa phương cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, tổ chức và xã hội.
Một là, việc thống nhất bộ máy, phân chia lại thẩm quyền, địa giới hành chính là một quá trình rất phức tạp, dễ phát sinh vướng mắc về nhân sự, cơ sở pháp lý cũng như khó khăn bước đầu trong vận hành hệ thống chính trị - hành chính mới. Xung đột lợi ích giữa các địa phương trong quá trình xác lập vị trí trung tâm, phân bổ nguồn lực đầu tư hay ưu tiên chính sách cũng là nguy cơ hiện hữu, có thể ảnh hưởng đến sự đồng thuận và hiệu quả triển khai.
Hai là, sự chênh lệch về trình độ phát triển, cơ sở hạ tầng và nguồn lực giữa các khu vực có thể làm gia tăng bất bình đẳng nội vùng nếu không có cơ chế điều tiết phù hợp. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng, cải cách hành chính, tổ chức lại bộ máy sẽ rất lớn, tạo áp lực lên ngân sách và yêu cầu quản trị hiệu quả.
Ba là, sáp nhập ba địa phương với bản sắc lịch sử - văn hóa riêng biệt nếu thiếu chính sách gìn giữ, phát huy phù hợp có thể dẫn tới nguy cơ mờ nhạt bản sắc văn hóa địa phương,. Đồng thời, nếu công tác truyền thông, tuyên truyền không được thực hiện tốt có thể dẫn đến tâm lý lo lắng, hoài nghi trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến sự đồng thuận xã hội - yếu tố then chốt cho thành công của quá trình sáp nhập.
Tóm lại, phương án sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một chủ trương lớn mang tính chiến lược, mở ra cơ hội hình thành siêu đô thị mang tầm quốc tế, trở thành đầu tàu cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có được, quá trình này cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có các giải pháp phù hợp, khoa học để giải quyết triệt để. Để phương án sáp nhập này đạt hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ về chính sách, tổ chức thực hiện và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững và ổn định lâu dài./.
[1] Quốc hội, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạnthời kỳ 2021 -– 2030, tầm nhìn đến năm 2050, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Nghi-quyet-81-2023-QH15-Quy-hoach-tong-the-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-551296.aspx
[2] Dương Liễu, Mật độ dân số tại TP.HCM gấp 1,7 lần so với Hà Nội, https://tuoitre.vn/mat-do-dan-so-tai-tp-hcm-gap-1-7-lan-so-voi-ha-noi-20250222214719029.htm
[3] Thông tin dân số, Dân số Bình Dương (cũ), https://danso.info/dan-so-binh-duong/
[4] Trang Thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, https://ittpa.baria-vungtau.gov.vn/article?item=3580f48cbf593a87f386598f7c662ec6
[5] Nguyễn Vy, Cả nước có 6 vùng kinh tế: Nơi thành siêu đô thị, chỗ khơi tiềm lực trục Đông – Tây, https://vietnamfinance.vn/ca-nuoc-co-6-vung-kinh-te-noi-thanh-sieu-do-thi-cho-khoi-tiem-luc-truc-dong--tay-d125579.html