Câu hỏi: Xin cho biết các yếu tố cơ bản tác động đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trả lời:

Các yếu tố cơ bản tác động đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là:

Thứ nhất, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng

Bản chất khoa học, cách mạng là nhân tố quyết định sức sống mãnh liệt, trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”1. Đường lối lãnh đạo sáng tạo, đúng đắn của Đảng một mặt làm phong phú, không ngừng tiếp thêm sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mặt khác là nhân tố suy đến cùng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nói chung và cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trên không gian mạng nói riêng. Vì vậy, Đảng ta xác định: “Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”2. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo của Đảng là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, song đó cũng là cơ sở khoa học, vũ khí lý luận sắc bén để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Thứ hai, tình hình thế giới, khu vực, trong nước; sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động

Đây là các yếu tố có quan hệ chặt chẽ, trực tiếp quy định đối tượng đấu tranh, tạo ra bối cảnh, điều kiện thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức đặt ra là rất lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường, xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề mới khó dự báo.

Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta còn những hạn chế, yếu kém trong phát triển, tồn tại những “điểm nóng” mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, “Các thuật toán cho phép các nền tảng truyền thông xã hội thiết lập các cộng đồng hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau (diễn đàn, nhóm, hội công khai, hoặc bí mật...) có thể thu hút từ hàng nghìn lên đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về địa lý, thành phần xã hội”2. Internet, mạng xã hội tạo ra một thế giới phẳng về thông tin, truyền thông xã hội ra đời trong đó mỗi cá nhân là người sản xuất và cung cấp, chia sẻ thông tin trên không gian mạng, đồng thời cũng tiếp nhận thông tin một cách trực tiếp không giới hạn về không gian, thời gian.

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng tình hình thế giới, khu vực, trong nước; sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là sự phát triển của internet, mạng xã hội để đẩy mạnh phát tán thông tin, tuyên truyền chống phá cách mạng nước ta, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng… Với số lượng người dùng mạng xã hội lớn như ở Việt Nam, và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng nên đây sẽ là những yếu tố tác động ngày càng lớn đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Thứ ba, kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đây là yếu tố tác động quyết định kết quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị3. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt4. Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cùng với thành tựu của công cuộc đổi mới đã nâng cao lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng thực tiễn sinh động, thuyết phục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây chính là điều kiện đặc biệt quan trọng, là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo “sức đề kháng”, “hệ miễn dịch” trước âm mưu, thủ đoạn chống phá trên không gian mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi. Thực tế trên không gian mạng, những hạn chế của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác để gieo rắc hoài nghi, thúc đẩy chuyển hóa nhận thức, tư tưởng chính trị trong nhân dân. Đây thực sự là một yếu tố bất lợi, tác động trực tiếp đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay.

Thứ tư, nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các chủ thể.

Do đặc thù của không gian mạng nên năng lực của lực lượng nòng cốt có tác động rất quan trọng. Đó là tổng hợp của các kỹ năng, như kỹ năng nhận diện đối tượng đấu tranh; kỹ năng phân biệt mặt chính trị và mặt nhận thức, tư tưởng, tâm lý xã hội của thông tin mạng; kỹ năng viết bài, xây dựng clip, đăng tải, chia sẻ thông tin đấu tranh trực diện chuyên sâu; kỹ năng dẫn dắt, định hướng thông tin mạng; kỹ năng tổ chức, phát động đấu tranh rộng khắp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin... Hạn chế về năng lực của các chủ thể sẽ hạn chế hiệu quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, như trình độ khai thác, sử dụng công nghệ thông tin mạng của không ít cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn hạn chế, vì thế, đấu tranh trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Thứ năm, công tác quản lý internet, mạng xã hội; cơ chế, chính sách và phát triển nguồn lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Thực tế hiện nay công tác quản lý internet, mạng xã hội ở nước ta chưa theo kịp sự phát triển đã tác động tiêu cực đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Khắc phục những bất cập trong quản lý mạng xã hội sẽ tạo lập được môi trường thông tin lành mạnh, an toàn, hình thành sức mạnh thông tin góp phần tích cực, hiệu quả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy, phát huy các nguồn lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Cần nhận thức đây là lĩnh vực đặc thù, phải có cơ chế, chính sách đặc thù; kiên quyết khắc phục hạn chế “chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu về vật chất, tinh thần thỏa đáng để thu hút đông đảo lực lượng tham gia đấu tranh”5. Internet, mạng xã hội phát triển liên tục, rất nhanh chóng do vậy sự phát triển của nguồn lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng giữ vai trò quan trọng. Phát triển nguồn lực thông tin, đặc biệt là hiệu quả chia sẻ thông tin phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; nguồn lực con người, trong đó rất quan trọng là sự tham gia ngày càng chủ động, tích cực, đông đảo của các tầng lớp nhân dân; nguồn lực công nghệ thông tin, bao gồm cả trình độ và hạ tầng công nghệ thông tin là những yếu tố tác động lớn nhất.


1, 2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.180.

2Xem Võ Văn Thưởng: Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam, https://vietnamnet.vn, ngày 17-6-2019.

3Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-01-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Quy định số 37-QĐ/TW, 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “về những điều đảng viên không được làm”..., https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.

4Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.73.

5Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2019, tr.131.