Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành trên các lĩnh vực
Thành phố Cần Thơ có diện tích tự nhiên 144.040 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 114.168 ha 79,3% (bao gồm 75.000 ha canh tác lúa, 25.000 ha trồng cây ăn trái, 10.000 ha thủy sản, và 1.700 ha rau màu). Hằng năm sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn, gần 200.000 tấn trái cây, 220.000 tấn thủy sản và 200.000 tấn rau màu, trên 34.000 tấn thịt hơi các loại (heo, gà, vịt…). Bên cạnh đó, trên địa bàn có 504 cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ; 44 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản; 45 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo. Hệ thống cơ sở chế biến nông sản phát triển tương đối sôi động trên địa bàn, đã góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP tại địa phương. Nhận thức được tầm vai trò quan trọng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với sự phát triển của thành phố, Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ: “Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch, đô thị và thị trường tiêu thụ…”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, thành phố Cần Thơ đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Với các giải pháp đồng bộ được triển khai, vùng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao trên từng lĩnh vực sản xuất dần hình thành. Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng đạt 212.614 ha, giảm 5% so với năm 2020, sản lượng đạt 1.313.711 tấn. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và các giống thơm đặc sản trên 95%. Hằng vụ duy trì gần 143 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 36.500 ha. Thành phố có 48.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; 991 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Đối với vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung, các giải pháp áp dụng quy trình sản xuất tiết kiệm tài nguyên (3 giảm – 3 tăng, 1 phải – 5 giảm…), sử dụng giống chất lượng cao và các giống lúa thơm đặc sản; các khâu cơ giới tương đối đồng bộ trong gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, làm đất, thu hoạch được ứng dụng phổ biến.
Mô hình trồng dưa lưới tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiên Minh ở huyện Cờ Ðỏ, thành phố Cần Thơ
(Nguồn: baocantho.com.vn)
Vùng rau màu an toàn gắn với nhu cầu thị trường có diện tích gieo trồng 13.977 ha, giảm 22% so với năm 2020. Đã hình thành vùng chuyên canh rau màu tập trung áp dụng quy trình sản xuất an toàn với diện tích 229 ha với sản lượng 28.390 tấn. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu trong nhà lưới và nhà màng, trồng rau thủy canh, áp dụng hệ thống tưới phun tự động trên rau... Vùng cây ăn trái tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn chất lượng có tổng diện tích 25.200 ha, tăng 3.577 ha so với năm 2020, sản lượng hằng năm trên 200.000 tấn. Diện tích cây ăn trái ngày càng mở rộng, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh với diện tích 12.673 ha, đạt sản lượng gần 140.000 tấn gồm Sầu Riêng, Xoài Cát Hòa Lộc Sông Hậu, Nhãn, Vú sữa Phong Điền. Diện tích, sản lượng không ngừng gia tăng qua các năm nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và các quy trình ứng dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến. Ứng dụng giải pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương, gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc phục vụ thị trường xuất khẩu (tổng số mã vùng trồng được cấp là 213 mã với diện tích 2.848 ha trên các đối tượng cây trồng như xoài, vú sữa, nhãn, sầu riêng... xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, Nhật...).
Ngành chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, áp dụng mô hình chuồng trại kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi. Thành phố hiện có 230 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm gồm 169 trang trại nuôi heo, 02 trang trại nuôi trâu, 40 trang trại nuôi bò, 19 trang trại gia cầm. Sản lượng thịt hơi hằng năm hơn 40.000 tấn. Quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản, chú trọng phát triển nuôi các đối tượng chủ lực; tiếp tục hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Tổng diện tích thủy sản là 10.000 ha, tăng 1.000 ha so với năm 2020, sản lượng thủy sản đạt trên 200.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như: VietGAP, ASC,... đạt 193 ha.
HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa tại Ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, thành phố Cần Thơ
(Nguồn: custa.cantho.gov.vn)
Một số giải pháp tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Mặc dù việc ứng dụng công nghiệp cao vào sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều thách thức như: thị trường nông sản biến động phức tạp, khó lường, tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động chính trị, khủng hoảng kinh tế trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng mới đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao... Do đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp, thành phố Cần Thơ cần khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát huy lợi thế so sánh của thành phố so với các tỉnh, thành khác trong cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời làm tốt vai trò là trung tâm vùng ĐBSCL về liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ khoa học, công nghệ, đào tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Phát triển nền nông nghiệp đô thị dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, hình thành các khu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trang bị cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa và sinh học hóa đồng bộ, gắn với công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng nhanh sản phẩm và tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp, gắn với phát triển đô thị hiện đại và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp tri thức. Tăng cường liên kết vùng và liên kết ngành, hình thành trung tâm dịch vụ logistic, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng nông sản hàng hóa chủ lực cấp vùng, gắn với quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thương hiệu của thành phố Cần Thơ.
Trẻ em tham gia chương trình trải nghiệm “Làm 1 nông dân hạnh phúc” tại khu du lịch sinh thái ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
(Nguồn: baocantho.com.vn)
Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, mang đặc trưng của thành phố Cần Thơ và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chủ động đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp của thành phố nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia đóng góp nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, với huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chuyển đổi số,...