1. Chính quyền số là gì
Chính quyền số bắt nguồn từ thuật ngữ “chính phủ số”, là một trong 3 nhiệm vụ chính của chuyển đổi số quốc gia ( chính phủ số, kinh tế số và xã hội số). Trong đó, Chính phủ số được xác định là khâu then chốt, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, quản lý và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong kỷ nguyên số, chính phủ số đóng vai trò trung tâm, định hướng, dẫn dắt, quản lý và phát triển kinh tế số, xã hội số như một tất yếu.
Chính quyền số là chính quyền có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Chính quyền số triển khai các chuyển đổi số tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, quận, huyện, xã), tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ chính quyền địa phương một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế – xã hội phục giúp đưa những quyết định chính sách kịp thời, chính xác; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, giảm bớt giấy tờ và chi phí.
2. Lợi ích Chính quyền số
Chính quyền sẽ trở nên tinh gọn, giảm thiểu sự cồng kềnh, làm việc có hiệu lực, hiệu quả hơn, chủ động tiếp cận với người dân theo những cách gần gũi, nhanh chóng nhất. Xử lý chính xác các thủ tục hành chính liên quan đến đối tượng người dân một cách nhanh, gọn, không mất quá nhiều thời gian đi lại, di chuyển của người dân, đỡ tốn thời gian, công sức của người dân. Xây dựng được hình ảnh chính quyền trở nên minh bạch, gần gũi với người dân, tạo dựng được niềm tin của người dân.
Tiết kiệm nguồn lực và thời gian: Thông qua quy trình tự động hóa và trực tuyến để loại bỏ các giai đoạn phức tạp, tối ưu hóa hiệu quả công việc. Do đó, chính quyền số giúp giảm thiểu thời gian và nguồn lực cho các thủ tục hành chính. Tiết kiệm và cắt giảm tối đa chi phí công, kiện toàn bộ máy hành chính để trở nên chuyên nghiệp hơn và kết nối dễ dàng với quốc tế.
Thông tin minh bạch và đáng tin cậy: Các thông tin, dữ liệu được chia sẻ trực tiếp trên nền tảng kỹ thuật số một cách công khai nhằm tạo dựng niềm tin với người dân. Từ đó, chính quyền số thúc đẩy tính minh bạch trong việc xác định thông tin và ra quyết định.
Giảm thiểu các rủi ro và ngăn chặn tham nhũng: Sử dụng các biện pháp bảo mật thông tin và dữ liệu quan trọng, bao gồm mã hóa, xác thực đa yếu tố và giải pháp bảo mật nâng cao nhằm ngăn chặn truy cập trái phép. Các thông tin, dữ liệu được công khai rõ ràng, minh bạch, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị: Chính quyền có thể thu thập, lắng nghe ý kiến của người dân trong việc thay đổi, cải thiện hệ thống chính trị cấp địa phương. Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng trực tuyến để huy động sự tham gia của người dân trong quản lý Nhà nước và xã hội.
Hiệu quả trong quản lý: Chính phủ cung cấp các công cụ hỗ trợ việc giám sát cũng như quản lý các nguồn lực hiệu quả, hỗ trợ phân tích dữ liệu giúp các cơ quan nhà nước đưa ra quyết định đúng đắn và cải thiện hiệu suất làm việc. Cán bộ công chức, viên chức của chính quyền địa phương có thể chủ động, nhanh nhạy hơn trong việc tiến hành xử lý hồ sơ. Những hướng dẫn của chính quyền số hiện nay đã vô cùng rõ ràng và cụ thể ở trên mạng thế nên đội ngũ cán bộ công chức, viên chức sẽ không phải mất quá nhiều thời gian, công sức để giải thích, hướng dẫn thủ tục cho người dân. Điều này hạn chế được việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, đồng thời cũng giúp cho đội ngũ các cán bộ công chức, viên chức có thêm nhiều thời gian hơn để tiến hành xử lý những nhiệm vụ, công việc khác, tăng thêm thời gian nghiên cứu công việc, tìm hiểu về chuyên môn, tăng thêm tính chủ động, hiệu quả hơn trong công việc.
Thúc đẩy sự phát triển bền vững: Chuyển đổi số đã góp phần giúp chính quyền cập nhật các dữ liệu, thông tin một cách toàn diện về tình hình kinh tế, chính trị xã hội. Thông qua đó, chính quyền và doanh nghiệp đánh giá tình hình của xã hội, kinh tế và môi trường để đưa ra định hướng chính sách phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, chính quyền tìm kiếm phương pháp ứng phó kịp thời khi có sự biến động của tình hình kinh tế – xã hội.
3. Một số nhiệm vụ và giải pháp của chính quyền số
Để xây dựng, phát triển chính quyền số, hiện nay các địa phương tại Việt Nam đang tập trung vào 4 nhóm nội dung chính, đó là xây dựng, phát triển hạ tầng số, triển khai nền tảng số, các ứng dụng - cơ sở thông tin dữ liệu và dịch vụ số, đảm bảo vấn đề an ninh mạng, với 08 nhiệm vụ cụ thể: (1) Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các tỉnh; (2) Xây dựng chính quyền điện từ và Đô thị thông minh; (3) Xây dựng các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực chuyên ngành; (4) Số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các Cơ quan nhà nước, chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, Xây dựng Cổng dữ liệu và kho dữ liệu số của tỉnh. (5) Cung cấp các tính năng, tiện ích trên thiết bị điện thoại di động thông minh; (6) Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. (7) Hoàn thiện Cổng dịch vụ công của các tỉnh, kết nối Cổng dịch vụ công Quốc gia, xây dựng đưa thủ tục hành chính đủ lên mức độ 4; (8) Triển khai các nền tảng dùng chung, hình thành không gian làm việc số cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, xử lý nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước của Tỉnh.
Theo Quyết định số 06 QĐ-TTg 2022 đưa ra mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, cấp căn cước công dân. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân được lưu trữ điện tử với số định danh cá nhân là một thông tin bắt buộc phục vụ cho kết nối, chia sẻ, tái sử dụng…
Đồng thời, để xây dựng CQS, Nhà nước cần quan tâm và đồng bộ hóa trong xây dựng hệ sinh thái chính quyền số, bao gồm các thành tố cơ bản: (1) Thể chế, chính sách (môi trường pháp lý để xây dựng và vận hành chính quyền số); (2) Hạ tầng số (môi trường, điều kiện để xây dựng và vận hành chính quyền số); (3) Cán bộ, công chức, viên chức số (chủ thể chính trong chính quyền số); (4) Cư dân số và doanh nghiệp số./.