Tên sách: Đất và người Nam Bộ
Tác Giả: Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh
Năm Xuất Bản: 2016
Số Trang: 365
Nhà Xuất bản: NXB Trẻ
Viết về đất và người Nam Bộ thì đến nay đã có nhiều người viết, thế nhưng những nghiên cứu từ những năm 1942 - 1943 của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh thì quả là rất sớm. Trong lời giới thiệu cuốn sách, Vũ Văn Ngọc - Lưu Hồng Sơn đã viết: “Kể về lượng thì quả là số trang viết của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh để lại không nhiều, nhưng ông đã thấy và chỉ cho chúng ta thấy rõ mạch văn mối đạo cũng như tinh túy của cổ học Nam Bộ thông qua các bài nghiên cứu công phu, thận trọng, khoa học, đầy tính phát hiện, thể hiện tài hoa và bầu nhiệt huyết của một người luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc”.
Ca Văn Thỉnh (sinh năm 1902, mất ngày 21 tháng 3 năm 1987) là một Giáo sư, nhà giáo dục, nhà thơ, chính trị gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Bút hiệu Ngạc Xuyên. Sinh tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Ca Văn Thỉnh được xem là người đầu tiên trong nghiên cứu văn hóa Nam Bộ. Ngạc Xuyên là cha của những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, họa sĩ Ca Lê Thắng, nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến). Ca Văn Thỉnh là thanh niên Nam Bộ đã theo học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương ở Hà Nội niên khóa 1925 - 1927. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, trở về Bến Tre ông được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Bến Tre (như Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay) năm 1928. Là trí thức tham gia cách mạng từ sớm, Giáo sư không chỉ hoạt động cách mạng mà còn quan tâm nghiên cứu văn hóa, văn học, nhất là của Nam Bộ. Giáo sư đã từng giữ nhiều cương vị khác nhau trong chế độ mới như: Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ (1945 và 1952); Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946); Viện trưởng đầu tiên Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (1975); Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955 và 1977). Nổi bật trong số công trình của Giáo sư là “Hào khí Đồng Nai) được in trong tập sách này từ trang 167 đến trang 262.
Nội dung cuốn sách bao gồm 10 bài viết, công trình của Giáo sư Ca Văn Thỉnh đã đăng, xuất bản gồm: Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta; Minh bột di ngư một quyển sách hai thi xã; Lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu - tác giả Lục Vân Tiên; Khổng học ở đất Đồng Nai; Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế; Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại (Thụy) (1761 - 1829); Đất và người Nam Bộ; Mạc Thị gia phả và trận Rạch Gầm - Xoài Mút; Ý nghĩa về văn học sử Nam Bộ và mối quan hệ Bắc Nam; Hào khí Đồng Nai. Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục dày 103 trang, từ trang 263 đến 365 với 5 nội dung là: Truyện thơ dân gian yêu nước, Nguyễn Thông, Sơn thuyết, Câu chuyện yểm quỷ, Chân dung tác giả và Di bút. Nhiều bài viết trong cuốn sách này là những công trình nghiên cứu của tác giả đã đăng trên Đại Việt Tập chí tại Sài Gòn từ năm 1943 - 1944.
Cuốn sách, như lời giới thiệu cho thấy về mặt sử học, Ca Văn Thỉnh đã chứng minh rằng Nam bộ là đất có lịch sử lâu đời, do người Việt khai khẩn và tạo dựng nên bằng con đường hòa bình, ông kêu gọi người Nam Bộ hãy tìm hiểu, giữ gìn và yêu quý các di tích, lịch sử, văn hóa của mình. Về mặt văn học, ông cho thấy Nam Bộ rõ ràng có một nền văn học quy mô tổ chức hẳn hỏi, với những tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần “ngay thảo”, “hào khí Đồng Nai”. Về mặt nho học, ông khẳng định đất Nam bộ có một nền giáo dục vững chắc, lâu đời.
Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh được xem là người đi tiên phong và mở đầu cho việc nghiên cứu Văn học Nam Bộ hiện đại. Các các bài viết, công trình của Giáo sư là những nghiên cứu chuyên sâu, thuyết phục về vùng đất, con người Nam Bộ, để lại những kết quả và thành tựu quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đối với các nhà nghiên cứu đi sau.
Hồng Phúc