Từ phong trào “Bình dân học vụ” đến phong trào “Bình dân học vụ số”
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, “Bình dân học vụ số” là một cách dùng thuật ngữ mang tính ẩn dụ, muốn nói đến phong trào học tập suốt đời của toàn dân hiện nay, trong điều kiện của một xã hội đã hiện đại hóa, đi vào kinh tế tri thức bằng phương pháp chống sự dốt nát trong xã hội hiện đại và gói gọn phong trào đó bằng thuật ngữ “Bình dân học vụ” đã được dùng trong giai đoạn 1945-1950. Vì vậy, “bình dân học vụ số” là một vấn đề vô cùng cấp thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 57-NQ, thực hiện các mục tiêu lớn của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây có thể coi là chìa khóa cho xã hội số bao trùm và toàn diện trong đời sống của người dân. Phong trào này không chỉ mở ra cơ hội bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ số mà còn góp phần xây dựng một xã hội số bền vững, bao trùm và toàn diện. Khi quá trình phổ cập công nghệ số, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm, xử lý và chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này giúp họ cập nhật kiến thức, nắm bắt cơ hội và tham gia vào các hoạt động xã hội.
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc. Phong trào “Bình dân học vụ” đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi miền Bắc - hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược. Thành tựu xoá nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.
Tương tự như thế, Phong trào “Bình dân học vụ số” hướng tới phổ cập các kỹ năng số cơ bản để đảm bảo người dân trong xã hội đều có cơ hội công bằng để tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật và các dịch vụ số, góp phần giảm khoảng cách số giữa các nhóm dân cư. Công nghệ số đã trở thành xu thế tất yếu trên toàn thế giới, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong đời sống xã hội, giáo dục, y tế, hành chính công và giải trí. Tuy nhiên, để người dân có thể tham gia và hưởng lợi từ quá trình này, kỹ năng số cơ bản là yếu tố không thể thiếu. Chỉ khi người dân được trang bị kỹ năng số, họ mới có thể tham gia vào việc xây dựng và phát triển các dịch vụ công trực tuyến, xóa bỏ khoảng cách số, tạo điều kiện bình đẳng cho mọi người tiếp cận các dịch vụ công và thông tin, góp phần tạo ra một xã hội số thông minh và hiện đại.
Nhìn lại kinh nghiệm lịch sử từ phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945 và xem xét bối cảnh mới, hai phong trào này những điểm khác biệt như sau: (1) Về mục tiêu, Phong trào “Bình dân học vụ” nhằm xóa mù chữ, nâng cao dân trí; Phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm xóa mù số, tạo ra xã hội số toàn dân. (2) Về công cụ, Phong trào “Bình dân học vụ” sử dụng sách vở, bảng đen, phấn trắng; Phong trào “Bình dân học vụ số” cần tới điện, máy tính, điện thoại thông minh, internet. (3) Về phương pháp, Phong trào “Bình dân học vụ” có những lớp học truyền thống, giáo viên trực tiếp giảng dạy; Phong trào “Bình dân học vụ số” tiến tới Học trực tuyến, ứng dụng công nghệ, học tập suốt đời. (4) Về kỹ năng, Phong trào “Bình dân học vụ” hướng tới việc Biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ; Phong trào “Bình dân học vụ số” hướng tới việc toàn dân phải có năng lực số. (5) Về thách thức, Phong trào “Bình dân học vụ” còn thiếu giáo viên, sách vở, cơ sở vật chất; Phong trào “Bình dân học vụ số” thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ. (6) Về ý nghĩa, Phong trào “Bình dân học vụ” hướng tới diệt giặc dốt, xây dựng chủ nghĩa xã hội; Phong trào “Bình dân học vụ số” đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. (7) Về đối tượng học tập, Phong trào “Bình dân học vụ” huy động mọi trẻ em thất học, mọi người lớn chưa biết chữ quốc ngữ đi học. Phong trào “Bình dân học vụ số” huy động tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, trình độ học vấn; ai thiếu hụt kiến thức nào, kỹ năng số nào thì có trách nhiệm học tập để bù đắp sự thiếu hụt đó.
Tích cực triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Có thể khẳng định, phong trào “Bình dân học vụ số” là một chủ trương hết sức đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Phong trào này đã được triển khai ở một số ngành, lĩnh vực, một số địa phương, đơn vị nhưng chưa tạo thành một phong trào rộng lớn trên khắp cả nước, chưa đạt được kết quả như mong muốn và kỳ vọng.
Trong thời gian tới, để thực hiện được nhiệm vụ chính trị quan trọng và cấp bách này, tạo hiệu ứng lan tỏa và hiệu quả thiết thực, cần phải chú trọng một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất là, nghiên cứu ban hành Chiến lược hành động và chính sách quốc gia về phổ cập kỹ năng số cho toàn dân, với những chương trình quốc gia đi kèm với các mục tiêu rất cụ thể, như sau: (i) Phổ cập kỹ năng số toàn dân cơ bản cho 90-95% trong 5 năm; (ii) Lồng ghép chiến dịch này vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia và các chương trình giảm nghèo, phát triển bền vững; (iii) Lồng ghép vào các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) để xoá mù công nghệ trong xã hội số; (iv) Thể chế hóa các chính sách để xoá mù công nghệ (ví dụ như miễn phí các khóa đào tạo cơ bản về kỹ năng số tại các trung tâm học tập cộng đồng, các CNSCĐ, trường học, hoặc hỗ trợ các khoá học miễn phí trực tuyến); (v) Đưa giáo dục số vào chương trình học trong các bậc học.
Thứ hai là, đầu tư vào hạ tầng số và thiết bị để nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông và Internet. Cần đảm bảo mọi người dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, được tiếp cận Internet, mở rộng mạng lưới 4G/5G, Wifi công cộng tại các khu vực khó khăn. Nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các doanh nghiệp để cung cấp điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (Ipad) và hỗ trợ máy tính cho toàn dân.
Thứ ba là, phát triển giáo dục số trong việc thiết kế các chương trình giáo duc đào tạo linh hoạt. Các cơ sở giáo dục, nhất là các trường đại học cần xây dựng các chương trình học liên kết giáo dục số. Phát triển nền tảng học số trực tuyến miễn phí với nội dung phù hợp với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ tư là, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân, trong đó, sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước như truyền hình, đài phát thanh, báo chí và mạng xã hội để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng số. Cần huy động sự tham gia của mọi tổ chức xã hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, và các nhóm cộng đồng để hướng dẫn kỹ năng số cho người dân tạo phong trào “Người biết số dạy người chưa biết số” để tạo ra một xã hội số cộng đồng.
Thứ năm là, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác công - tư giữa Nhà nước và các doanh nghiệp công nghệ. Chính phủ cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ để hỗ trợ triển khai cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, cung cấp các phần mềm miễn phí để đào tạo kỹ năng số.
Thứ sáu là, hợp tác quốc tế từ việc tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như UNESCO, UNICEF, World Bank để xây dựng và triển khai các dự án giáo dục số, đào tạo số.
Thứ bảy là, tăng cường vai trò của địa phương trong phân cấp quản lý và triển khai tại địa phương. Mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch riêng phù hợp với đặc thù dân cư và kinh tế - xã hội của từng nơi để thành lập các trung tâm chuyển đổi số tại địa phương, phát triển các tổ CNSCĐ, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Như vậy, “Bình dân học vụ số” là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Mục đích của phong trào “Bình dân học vụ số” là nhằm tạo ra một thế hệ công dân số trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.