Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường1. Nhà nước ghi nhận quyền của tất cả mọi người được sống trong môi trường trong lành và các chủ thể có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người, không phân biệt người đó theo tôn giáo nào, quốc tịch ra sao,.... Một trong những mục tiêu xuyên suốt của pháp luật về bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe người dân, để người dân được sống trong môi trường trong lành, các điều kiện bảo đảm phải được thực hiện đồng bộ và đặt lên hàng đầu.

Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 01/01/2025, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm và Chất thải rắn sinh hoạt khác. Tuy nhiên, tại các khu vực dân cư việc thực hiện phân loại chất thải chưa được thực hiện đầy đủ, chưa từng có người dân, hộ gia đình nào bị từ chối thu gom chất thải hay bị phạt khi không phân loại chất thải?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Người cho rằng muốn thực hiện pháp luật được tốt thì trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. “Công bố đạo luật này chưa phải là mọi việc đã xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”2.

Pháp luật dù có hoàn thiện và tiến bộ đến đâu, nếu chưa được tổ chức thực hiện tốt trong cuộc sống thì pháp luật ấy cũng chỉ là những quy tắc ứng xử trên giấy. Để thực hiện tốt quy định pháp luật đã ban hành, các chủ thể cần hiện thực hóa những quy định pháp luật vào thực tiễn cuộc sống bằng những hoạt động thực tế của mình.

Thực hiện quy định về phân loại chất thải tại nguồn, khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác thải

Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác3.

Với tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam hiện nay còn cao do rác thải chưa được phân loại tại nguồn dẫn đến những khó khăn tiếp theo trong quy trình xử lý. Điều 136 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc thu phí rác thải dựa trên “khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường,…” thay vì việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Theo đó, quy định rác thải sinh hoạt phải được phân chia làm ba loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Thực hiện quy định này, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện nông thôn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, quy định pháp luật đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế hoặc khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hay cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.

Sở dĩ cần thúc đẩy thực hiện tốt phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác thải là vì vấn đề này gắn chặt với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Đồng thời, tận dụng khai thác đúng cách thì chất thải sinh hoạt còn là nguồn nguyên liệu có sẵn góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Đất nước ta đang trong tiến trình xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nên càng không thể lãng phí nguồn tài nguyên này. Do đó, cần thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhất là các quy định về phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2020 và có hiệu lực ngày 01/01/2022, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 45/2022/NĐ-CP là việc xử phạt với hành vi không phân loại chất thải. Theo đó, khoản 1 Điều 26 Nghị định quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác, không sử dụng bao bì chứa rác sẽ bị phạt từ ngày 25/8/2022.

Một số giải pháp tăng cường thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Thứ nhất, giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong bảo vệ môi trường

Pháp luật về bảo vệ môi trường được ban hành từ rất sớm với văn bản quy phạm pháp luật nòng cốt là Luật Bảo vệ môi trường. Để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng, cần đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để người dân có ý thức đầy đủ hơn trong mỗi hành vi thực tế hàng ngày của mình. Có thể nói, phân loại rác thải vẫn còn xa lạ đối với đa số người dân. Việc chưa phân loại chất thải vừa lãng phí vừa là một trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí báo động tại nhiều đô thị trong thời gian gần đây.

Đồng thời, cần cập nhật, biểu dương các tấm gương, điển hình về khu dân cư văn minh, sạch đẹp, kịp thời lan tỏa các hành động ý nghĩa về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên trong đời sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, cần lồng ghép nội dung pháp luật về bảo vệ môi trường vào giảng dạy trong các cấp học. Khẩn trương thực hiện biên soạn, phát hành tờ rơi, áp phích hướng dẫn thực hành sổ tay thực hiện phân loại rác tại nguồn cho các địa phương. Các công ty vệ sinh môi trường cần kiên quyết từ chối thu gom nếu chất thải chưa được phân loại. Đồng thời lan tỏa ý nghĩa của việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trong phát triển công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn và giá trị kinh tế từ chất thải. Mô hình và cơ chế quản lý thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác đã được chứng minh thành công, hiệu quả ở nhiều quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Thứ hai, các chủ thể có trách nhiệm tích cực áp dụng công nghệ trong thực hiện quy định xử lý chất thải

Nghiên cứu tiếp thu và phát triển công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt của nước ngoài điển hình là Singapore theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải từ các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương ưu tiên các công nghệ xử lý theo hướng kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của các loại hình đô thị. Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải  nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân áp dụng các công nghệ tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu ở các cơ sở tái chế.

Thứ ba, giải pháp về đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của các địa phương trong kiểm soát chặt chẽ các khu xử lý chất thải, bãi chôn lấp chất thải giáp ranh giữa các địa phương và việc vận chuyển chất thải liên tỉnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, qua đó phòng ngừa cũng như phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo hiệu lực của quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

1 Điều 43 Hiến pháp năm 2013.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tập 12, tr. 301.

3 Khoản 18 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.