V.I.Lênin là người trực tiếp thiết kế, tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước của chế độ mới, vậy V.I.Lênin có chỉ dẫn, định hướng gì cho chúng ta về việc tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước?

Trả lời:

Chỉ dẫn của V.I.Lênin về cải tổ bộ máy nhà nước được thể hiện như sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết phải cải tổ bộ máy nhà nước: Xuất phát từ chính những tồn tại, khuyết điểm của bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước hiện tại mặc dù đã có những cải cách nhưng không đạt được mục tiêu đề ra, hoạt động chưa hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, cần phải tiến hành cải tổ, khắc phục những khuyết điểm của bộ máy.

V.I.Lênin viết: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi trước hết chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy ấy như thế nào[1].

Thứ hai, về nguyên tắc cải tổ bộ máy nhà nước: Tiến hành cải tổ với những bước đi chắc chắn; bảo đảm chất lượng, hiệu quả không chạy theo số lượng “Thà ít mà tốt”. V.I.Lênin viết: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt. Phải tuân theo quy tắc này: thà mất hai năm hay thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân liệu tốt[2].

Thứ ba, về cách thức cải tổ bộ máy nhà nước: Đảng cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất vấn đề còn tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng cần có bước đi chắc chắn: tiến hành kiểm tra việc thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, kịp thời tìm ra những bất cập của các chủ trương đó để tìm cách khắc phục. Đồng thời, đảng viên của Đảng không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Khi tiến hành cải tổ bộ máy nhà nước cần biết chọn khâu đột phá trong tổ chức bộ máy nhà nước để tiến hành đổi mới. Phát huy nội lực trong việc đối mới bộ máy nhà nước.

Thứ tư, về nội dung cải tổ bộ máy nhà nước: Tiến hành tinh giản bộ máy nhà nước; nghiên cứu kết hợp giữa tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước với cơ quan Đảng tương ứng; tiến hành lựa chọn chặt chẽ cán bộ làm trong bộ máy nhà nước nhất là những cán bộ làm trong công tác thanh tra, kiểm tra là những cán bộ có phẩm chất tốt, uy tín trước nhân dân và có năng lực.

V.I.Lênin cho rằng: “mấu chốt và cũng là thực chất của tình hình chính trị hiện nay: đặt trọng tâm vào việc lựa chọn người, vào việc kiểm tra sự chấp hành công tác thực tế”[3]; “nên quan tâm chỉnh đồn bộ máy đó một cách thật đặc biệt chu đáo, quan tâm tập trung cho Bộ dân ủy thanh tra công nông một số nhân viên có phẩm chất cao, nghĩa là không kém gì những nhân viên kiểu mẫu giỏi nhất ở Tây Âu”[4]; “Do đó phải chú ý giảm bớt các ban của Hội đồng bộ trưởng dân ủy, Hội đồng lao động và quốc phòng, để cho các hội đồng ấy nhận rõ và làm tròn nhiệm vụ của chính mình, chứ đừng phân tán sức lực của họ vào số ban nhiều vô hạn[5]. Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của V.I. Lênin về cải tổ bộ máy nhà nước (xây dựng, cải cách bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa) đặc biệt là nguyên tắc cải cách bộ máy nhà nước cũng như việc chú trọng trong đào tạo, tuyển chọn sử dụng cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước, tinh gọn bộ máy... đều là những vấn đề quan trọng cấp bách trong cải cách bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay. Đảng ta xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng”[6], “Hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp gắn với tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả[7].

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: việc sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền 2 cấp, đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển, là cơ hội để sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Chính quyền địa phương sau khi sắp xếp phải đảm bảo tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng và an ninh, đối ngoại tạo đà vận động, động lực cho sự phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.[8].

[1],  V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t.45, tr.442-443.

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t.45, tr. 445.

[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t.45, tr. 139.

[4] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t.45, tr. 442.

[5] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t.45, tr. 138.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 288.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 286.

[8] Trích Lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, Hà Nội, ngày 16/4/2025.