Câu hỏi: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức cách mạng dựa trên những nguyên tắc nào?

Trả lời:

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương sáng cho quần chúng noi theo. Ảnh tư liệu.

Nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng: Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định những nguyên tắc để rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên bao gồm:

Một là, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức. Nói đi đôi với làm được coi là tiêu chuẩn để phân biệt đạo đức cũ, đạo đức giả dối của giai cấp bóc lột với đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Đối với Người, nói phải luôn đi đôi với làm và cao hơn, làm rồi mới nói, làm nhiều hơn nói. Ngược lại, nói mà không làm, hoặc nói nhiều làm ít, thậm chí nói một đường làm một nẻo sẽ không những không có hiệu quả, mà đối với cán bộ, đảng viên còn là mối nguy hại vì nó làm mất uy tín của dân đối với Đảng, với chế độ. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: muốn lãnh đạo, giáo dục nhân dân, thì trước hết “mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương sáng cho quần chúng noi theo”[1].

Hai là, xây đi đôi với chống. Xây là xây “cái hay”, “cái tốt”, “cái tích cực, tiến bộ; chống là chống “cái sai”, “cái xấu”, “cái tiêu cực, lạc hậu”, trái với đạo đức cách mạng; xây và chống phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Muốn xây dựng đạo đức cách mạng, một mặt, phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với mọi kẻ địch, nhất là những kẻ địch “nội xâm” như chủ nghĩa cá nhân, hẹp hòi và những thói xấu ẩn náu trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Mặt khác, tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa mới trong toàn dân, thực hiện “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện”, để cho “phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”[2].

Ba là, tu dưỡng đạo đức suốt đời, bởi đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, mà đó là một quá trình đấu tranh, rèn luyện bền bỉ và lâu dài. Cũng như “chính tâm tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ, vì đó là một cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi người”[3]. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, cái xấu, cái tốt, ai cũng có thiện, có ác. Vì vậy, xây dựng đạo đức cách mạng cần phải kiên trì, rèn luyện suốt đời để phát triển cái thiện, đẩy lùi cái ác, cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[4].


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. X.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 672.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 300.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 612.