Câu hỏi: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng gồm những tiêu chuẩn gì?
Trả lời:
Đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ảnh tư liệu
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, bởi theo Người, đạo đức là nền tảng của người cách mạng, có đạo đức cách mạng thì cán bộ, đảng viên sẽ vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy, thử thách. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. Đạo đức cách mạng là gì? Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (năm 1958), đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát như sau: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”[2].
Đạo đức cách mạng gồm những tiêu chuẩn gì?
Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất cơ bản, quan trọng hàng đầu trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung với nước là trung thành với Tổ quốc, trung thành với lợi ích của dân tộc, trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Hiếu với dân là tôn trọng, yêu kính, gắn bó mật thiết với nhân dân, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”[3], người cách mạng không có gì hạnh phúc hơn là được phục vụ nhân dân.
Yêu thương con người là một trong những phẩm chất của đạo đức cách mạng. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là phải đem lại tự do, hạnh phúc cho con người, tạo điều kiện cho con người được phát triển toàn diện. Yêu thương con người trước hết là tình cảm dành cho những người bị áp bức, bóc lột, những người cùng khổ, đồng thời còn là tình đồng chí yêu thương lẫn nhau, luôn nghiêm khắc với bản thân nhưng rộng rãi, độ lượng với người khác. Bản thân Người là minh chứng cho tình cảm nhân ái, yêu thương chân thành, gần gũi, giản dị khi khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[4].
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là những nội dung trọng tâm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cân, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”[5].
Tinh thần quốc tế trong sáng cũng là một phẩm chất không thể thiếu của đạo đức cách mạng, bắt nguồn từ bản chất quốc tế của giai cấp công nhân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, vì vậy tinh thần quốc tế trong sáng là đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới và giữa các dân tộc vì mục tiêu chung: đấu tranh vì độc lập của mỗi quốc gia - dân tộc, giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, bảo vệ quyền tự do và hạnh phúc của con người.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 292.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr. 603.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 51.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 627.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 117.