Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, đây là văn bản luật đầu tiên có đề cập đến danh hiệu và chính sách dành cho nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Nội dung này được thể hiện trong Điều 26: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”. Như vậy, đến nay đã tròn 20 năm Luật Di sản văn hóa có hiệu lực, đó là cơ sở để chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể được triển khai thực hiện và đã đạt những kết quả quan trọng.

Biểu diễn khai mạc chương trình Hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật và bài bản của ca trù - Ảnh: Báo Nhân Dân

Trên cơ sở Luật Di sản văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã ban hành Quy chế công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian ngày 20/6/2002 nhằm tôn vinh và hỗ trợ các nghệ nhân. Quy chế này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đó là thời điểm các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một nhanh chóng. Quy chế thể hiện sự tôn vinh kịp thời đối với những nghệ nhân có công lao gìn giữ, thực hành, truyền dạy giá trị, kỹ năng, bí quyết của văn hóa, văn nghệ dân gian. Bên cạnh việc được nhận Bằng công nhận, Huy chương “Nghệ nhân dân gian” của Hội, các nghệ nhân được hỗ trợ một lần khoản kinh phí từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng và được tạo điều kiện tham gia các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, trình diễn, truyền dạy… Từ đó đến nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho hơn 600 người.

Năm 2007, Bộ Công nghiệp ban hành Thông tư số 01/2007/TT-BCN hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Văn bản pháp lý này là cơ sở để xét tặng các danh hiệu trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bắt đầu xét và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam từ năm 2007, đến năm 2020 đã có 9 đợt xét với tổng số nghệ nhân được phong tặng là 849 người. Đặc biệt, năm 2010, lần đầu tiên Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Đến năm 2020 đã qua 04 lần phong tặng (năm 2010, năm 2013, năm 2016 và năm 2020), tổng số nghệ nhân được phong tặng là 20 Nghệ nhân nhân dân và 177 Nghệ nhân ưu tú.

Năm 2009, Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, đối tượng xét tặng danh hiệu nghệ nhân được mở rộng đầy đủ 07 lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và có quy định về “trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác đối với nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” (Điều 26). Trên cơ sở đó, năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể” và Nghị định số 123/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Qua 02 đợt xét tặng năm 2015 và năm 2019, Chủ tịch nước đã phong tặng 66 Nghệ nhân nhân dân và 1.187 Nghệ nhân ưu tú. Khi được nhận danh hiệu, mỗi Nghệ nhân nhân dân được thưởng khoảng 12 triệu, mỗi Nghệ nhân ưu tú được thưởng khoảng 10 triệu. Ngoài ra, đợt làm hồ sơ năm 2021, các địa phương đã hoàn thiện hồ sơ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua danh sách 671 hồ sơ (trong đó 71 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, 600 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú).

Cùng với việc xét và phong tặng các danh hiệu cao quý, các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được được trợ cấp sinh hoạt hàng tháng từ 700.000đ đến 1.000.000đ, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng… theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Điều đó đem lại niềm tự hào, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghệ nhân nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của cha ông.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ một số địa phương, hiện có tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn. Và nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ còn thấp, chưa thật sự đảm bảo an sinh để họ yên tâm và nỗ lực cống hiến… Về điều này, từ năm 2017, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng đã tiếp nhận, tổng hợp ý kiến của cử tri và gửi Thư kiến nghị. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách, chế độ đối với các nghệ nhân.

Như vậy, sau 20 năm Quốc hội ban hành Luật Di sản văn hóa, nền văn hóa Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, các chính sách tôn vinh và đãi ngộ đối với các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể đã đem lại niềm tin và động lực để những “báu vật nhân văn sống” nỗ lực cống hiến cho cộng đồng, cho nền văn hóa dân tộc. Với các danh hiệu được các cấp phong tặng, đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các nghệ nhân. Đó chính là sự cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.