Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) nằm bình yên ven sông Ô Lâu, phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế (1), được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2009. Làng hiện đang lưu giữ khá nhiều nét đặc trưng của không gian làng Việt truyền thống vùng Bắc Trung bộ. Sau khi được công nhận, đến nay làng cổ Phước Tích đã có những bước riêng nhằm bảo tồn và khai thác du lịch cộng đồng; là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách với nhiều trải nghiệm di sản văn hóa độc đáo.

Một nét đặc trưng ở Phước Tích là cấu trúc nhà vườn được ngăn cách bởi những hàng chè tàu xanh, thẳng tắp, gọn gàng. Ảnh: vnexpress

Làng Phước Tích được thành lập vào năm 1470 - 1471 bởi ông tổ khai canh Hoàng Minh Hùng, nguyên là người làng Cảm Quyết (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An). Theo vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi, trên đường trở về, ông ủng hộ chủ trương của triều đình chiêu mộ dân binh vào Nam. Sau quá trình xem xét địa hình, thấy khúc quanh của dòng Ô Lâu nổi lên một cồn đất cao ráo, ông đã chọn mảnh đất này để lập làng và phát triển nghề làm gốm đất nung truyền thống. Chính nghề gốm đã mang lại cho người dân Phước Tích sự thịnh vượng hơn so với những làng nông nghiệp trong vùng (2). Nhờ vậy, các công trình kiến trúc văn hóa của làng từ đình làng, đền, miếu, nhà rường… được người dân xây dựng bề thế, kiên cố theo lối kiến trúc nhà vườn đặc trưng của vùng đất Thuận Hóa xưa (3).

Không chỉ phát triển kinh tế, người dân Phước Tích đặc biệt chú tâm tạo dựng, truyền lưu giá trị văn hóa cho các thế hệ cháu con, đúng như ý nghĩa tên gọi của làng (Phước Tích – mong muốn tích được nhiều phúc đức để lại cho muôn đời sau), như truyền thống hiếu học khoa bảng. Vì vậy mà Phước Tích cũng là làng quê duy nhất ở miền Trung có văn miếu thờ Khổng từ mấy trăm năm trước nhằm tôn vinh sự hiếu học, khuyến khích con cháu trong làng chuyên cần theo nghiệp bút nghiên.

Làng Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai được nhà nước xếp hạng “di tích quốc gia” sau làng cổ Đường Lâm. Ảnh: vnexpress

Đến với Phước Tích, dường như mọi ồn ào, xô bồ phố thị đều để lại bên ngoài, chỉ có những ngôi nhà rường ba gian hai chái cổ kính, các miếu thờ linh thiêng, những đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi… nằm yên ắng, bao quanh là vườn xanh mát mà những hàng chè tàu cắt tỉa gọn gàng. Nét đặc trưng riêng trong không gian làng Phước Tích với sự hòa hợp giữa kiến trúc nhà, vườn và không gian cảnh quan của làng tạo nên một bức tranh trọn vẹn của một ngôi làng Việt vùng Bắc Trung bộ. Đây cũng chính là một trong những yếu tố cơ bản để Phước Tích được công nhận là làng di sản của cả nước (4), đồng thời mở ra hướng khai thác di sản từ chính cộng đồng làng.

Với quyết tâm biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và khai thác thế mạnh du lịch từ di sản địa phương. Chính vì vậy mà công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại làng cổ Phước Tích ngày càng được quan tâm (5). Khi triển khai đề án “Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” của tỉnh, tại làng cổ Phước Tích, Ủy ban nhân dân huyện Phong Ðiền đã cải tạo, trùng tu được 23/25 nhà vườn được phê duyệt trong danh mục, trong đó có 13 nhà loại I và 8 nhà loại II, 2 nhà loại III với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng. Năm 2021, huyện Phong Ðiền tiếp tục triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật du lịch với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, gồm nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng quanh làng, hệ thống điện ngầm vào tận nhà dân, đường lát gạch, bãi đỗ xe du lịch… Nhờ đó, hoạt động đón tiếp khách du lịch, công tác lữ hành có nhiều chuyển biến.

Năm 2022, làng cổ đã đón gần 41.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ như: tham quan nhà vườn, lưu trú homestay; thưởng thức ẩm thực truyền thống Huế; thả đèn hoa đăng; tour xe đạp, đi thuyền trên sông Ô Lâu; khám phá cuộc sống, các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc của cộng đồng dân cư và nghề truyền thống Huế; tìm hiểu về lịch sử văn hóa và con người Huế... Trong hai ngày 22 - 23/7 vừa qua, ngày hội “Hương xưa làng cổ” tại Phước Tích tiếp tục tạo điểm nhấn khi tái hiện không gian văn hóa với các hoạt động mang tính cộng đồng, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử; đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc về mảnh đất và con người Phong Điền.

Bóng thuyền tô điểm vẻ hiền hòa, nên thơ của dòng Ô Lâu. Ảnh: vnexpress

Chính nỗ lực của địa phương trong thực thi chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đưa di sản trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội đã cải thiện đáng kể điều kiện sống của người dân làng Phước Tích. Nếu năm 2010, chỉ có một vài ngôi nhà rường tọa lạc ở vùng trung tâm, gần Đình làng, được đưa vào làm điểm tham quan cho du khách, thì đến năm 2020, hầu hết các gia đình sở hữu nhà rường ở Phước Tích đã chủ động, đồng thuận tham gia vào mạng lưới du lịch cộng đồng. Không chỉ quan tâm đến việc tăng thêm thu nhập từ các dịch vụ của làng, người dân còn chủ động quảng bá, giới thiệu, thuyết minh về làng mình một cách đầy tự hào. Rõ ràng, nền tảng hiếu học của làng vẫn được gìn giữ, tôn bồi trong tâm thức mỗi thế hệ người dân. Điều này giải thích vì sao, khi hỏi bất cứ ai trong làng về văn hóa xưa, mọi người đều tường tận lịch sử của làng mình đến vậy. Dường như bài học đầu tiên trong đời chính là bài học về lịch sử và lối ứng xử hết sức văn hóa của người dân Phước Tích đối với di sản của ông cha. Chính họ đã mang đến cho du khách những cảm nhận thú vị khi đến tham quan làng cổ Phước Tích trong nhiều năm qua. Những cảm nhận đó đã được du khách ghi lại trong những quyển sổ lưu niệm đặt trang trọng trong không gian nhà rường ở Phước Tích.

Mang trong mình nét đặc trưng làng quê Việt, dẫu trải bao thăng trầm, Phước Tích vẫn bình dị, hiền hòa, cất giữ vẹn nguyên ân tình trong đó. Tìm về Phước Tích để càng trân trọng hơn những trầm tích văn hóa kết tinh làm nên linh hồn quê hương, dân tộc.

--------------------

Tài liệu tham khảo:

1.Nguyễn Hữu Đán (2022), Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 500.

2.Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền (2023), Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích” cho làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề tài cấp Tỉnh Thừa Thiên Huế, mã số: TTH.2019-KX.02

3.Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 27/8/2015, ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng.

4.Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

5.Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/12/2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế về xây dựng, phát triển huyện Phong Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

--------------------

Chú thích

(1).Làng Phước Tích có diện tích chỉ chừng 1,2 km2, trước đây có tên gọi xứ Cồn Dương. Làng có diện tích nhỏ nên dân số cũng khiêm tốn, đến năm 2020, cả làng chỉ có khoảng hơn 300 người, cư trú trong 117 nóc nhà.

(2).Vào thời điểm thịnh đạt, Phước Tích có 12 lò gốm lớn đều được xây dựng dọc theo bờ sông Ô Lâu để thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm bằng đường thủy.

(3). Làng Phước Tích có 26 ngôi nhà cổ có giá trị, ngôi nhà cổ nhất được dựng vào năm 1850, kế đến là ngôi nhà được dựng vào năm 1870.

(4). Ba làng cổ trên đều đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia: làng cổ Đường Lâm thuộc thành phố Hà Nội (xếp hạng năm 2005), làng cổ Phước Tích thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (xếp hạng năm 2009), làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc tỉnh Tiền Giang (xếp hạng năm 2017)

(5). Ngày 09/09/2019, Làng cổ Phước Tích được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 2186/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện hồi sinh và phát huy các giá trị văn hóa của ngôi làng cổ độc đáo bậc nhất Việt Nam.