* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Bất tuân dân sự là hành vi hoặc hoạt động của công dân từ chối tuân theo mệnh lệnh hoặc luật pháp của Nhà nước nhưng không dùng đến bạo lực, khi họ tin rằng mệnh lệnh hoặc quy định pháp luật đó không hợp lý, bất hợp pháp hoặc trái với lương tâm, đạo đức của con người. “Bất tuân dân sự” đã được sử dụng như một phương pháp đấu tranh để chống lại các chính phủ độc tài hoặc chính phủ thực dân và đã thu được thành công vang dội. Ở Việt Nam hiện nay, “bất tuân dân sự” bị các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo và lợi dụng để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta, thể hiện dưới các hình thức sau:
Một là, bất tuân chủ động: Là kêu gọi người dân chủ động chống lại chính quyền, như không chấp hành giải phóng mặt bằng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đòi thành lập các tổ chức xã hội dân sự như Hội anh em dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam, Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Hội nhà báo độc lập Việt Nam, Hội văn đoàn độc lập Việt Nam; lôi kéo người dân đập phá tài sản công, tụ tập đông người gây rối, bạo loạn.
Hai là, bất tuân thụ động: Là một số thành phần phản động lưu vong như Lê Công Định, Lisa Phạm, Hoàng Ngọc Diêu… thường lên mạng xã hội kêu gọi bất tuân thụ động thông qua một số cách thức sau đây:
- Kêu gọi tẩy chay bầu cử và xuyên tạc rằng nhà nước Việt Nam bắt ép dân đi bầu, nếu không bầu cử sẽ bị xử phạt và gây khó dễ sau này.
- Kêu gọi kiều bào không gửi tiền cho người thân trong nước, vì gửi ngoại tệ về sẽ góp phần củng cố sức mạnh cho chính quyền và khiến nhà nước quên đi nghĩa vụ chăm lo cho nhân dân.
- Kêu gọi tiểu thương đóng cửa không buôn bán, khiến cho Nhà nước không có nguồn thuế để tồn tại; công chức, viên chức cứ lai rai, cáo bệnh, không đi làm để tạo ra sự gián đoạn trong hoạt động của chính quyền.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập hợp hiến và hợp pháp; không thể tìm thấy bất cứ đạo luật hoặc chính sách nào được ban hành để đàn áp người dân hoặc đi ngược lại lợi ích dân tộc, do vậy không có lý do gì để thực hiện bất tuân dân sự.
Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”; Điều 46 của bản Hiến pháp này quy định “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”. Như vậy, thay vì thực hiện bất tuân dân sự, người dân có thể đề đạt ý kiến qua phương tiện thông tin đại chúng, qua đại biểu do mình bầu ra, gửi kiến nghị trực tiếp tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc thể hiện ý chí thông qua bầu hoặc không bầu cho ai đó nếu người đó không đại diện được ý chí và nguyện vọng của cử tri.
Luật Khiếu nại, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nếu một chủ thể không đồng ý với quyết định của cơ quan nhà nước thì trước tiên vẫn phải chấp hành quyết định ấy, sau đó có thể thực hiện quyền khiếu nại, nếu không đồng ý với giải quyết khiếu nại thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án nhân dân. Đây là trình tự giải quyết hợp pháp thay vì thực hiện vi phạm pháp luật là “bất tuân dân sự”.