Các thế lực thù địch luôn lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá cách mạng nước ta với những thủ đoạn tinh vi, thâm độc, nguy hiểm. Bài viết nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về việc bắt giữ, xử lý các đối tượng có hoạt động lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch

Thời gian qua, lợi dụng việc bắt giữ, xử lý các đối tượng có hoạt động lợi dụng không gian mạng để chống Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch đã lên tiếng xuyên tạc, vu cáo những vấn đề sau:

Một là, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chứng kiến, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận; biên tập, đăng tải các phóng sự, bài viết trên không gian mạng liên quan đến vụ việc; cho rằng những đối tượng bị cơ quan chức năng bắt, xử lý chỉ là những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, những người này đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người dân, người yếu thế trong xã hội, không nhằm mục đích chống chính quyền và không đi ngược những lợi ích chung của xã hội, đất nước; từ đó vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.

Tổ chức các buổi livestream, hội luận, trả lời phỏng vấn với các báo, đài, đối tượng chống đối khác… thu hút sự quan tâm, hướng lái dư luận theo các nội dung đã được dàn dựng sẵn, nhận xét quy chụp về “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” tại Việt Nam; so sánh quyền con người ở Việt Nam với các nước khác, tung hô “thiên đường tư bản chủ nghĩa”, cắt ghép thông tin, hình ảnh, nội dung phát biểu của lãnh đạo… nhằm đánh tráo sự thật về chế độ xã hội chủ nghĩa. Đăng tải nội dung vu cáo lực lượng chức năng Việt Nam bắt người không đúng quy định pháp luật, coi thường luật pháp quốc tế; cho rằng các điều luật xét xử đối tượng là đi ngược với Hiến pháp, điều luật mơ hồ, tùy tiện. Nhắc lại những sơ hở, thiếu sót của cơ quan chức năng để gieo rắc hoài nghi, quy chụp các hoạt động tư pháp của Việt Nam đều “có vấn đề”.

Hai là, tô vẽ hình tượng, kêu gọi trả tự do cho đối tượng bị bắt, xử lý. Biên tập, đăng tải các bài viết, phát động các chiến dịch “viết thư” gửi các đối tượng bị bắt, xử lý nhằm ca ngợi, tung hô, cổ súy hành động vi phạm của đối tượng, suy tôn đối tượng như những người “anh hùng” dám xả thân vì công lý, là “nạn nhân của chế độ”, kể lể “thành tích” của đối tượng trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo “trá hình”… Trao “giải thưởng nhân quyền’’, “giải thưởng tự do báo chí”… để đánh tráo khái niệm. Đồng loạt đăng bài, lập hội nhóm kích động tụ tập đông người, biểu tình, tuần hành đòi trả tự do cho đối tượng trước, trong và sau thời điểm xét xử đối tượng hoặc thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.

* Luận cứ đấu tranh phản bác

Một là, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do dân chủ của công dân, điều này được cụ thể hóa tại Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP… Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền của mình, công dân phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đối với quốc gia, dân tộc mà mình đang sống. Khi sử dụng, thực hiện quyền và tự do cá nhân không được xâm phạm an ninh quốc gia; trật tự công cộng, đạo đức xã hội; quyền và tự do của người khác; đúng theo chuẩn mực quốc tế. Hành vi đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hành vi bị cấm.

Hai là, thời gian qua, các cơ quan chức năng bắt, xử lý đối tượng đúng người, đúng tội và đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của xã hội. Quá trình bắt, xử lý đối tượng cơ quan chức năng đã thu thập, củng cố đầy đủ chứng cứ, tài liệu, có sự giám sát của các cơ quan tư pháp, các đối tượng khi bị bắt giữ đều không thể chối cãi với những tài liệu chứng cứ đã thu thập. Cho rằng Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “bóp chết” những tiếng nói “dân chủ”... chỉ là những luận điệu xuyên tạc nhằm mục đích làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Trong một xã hội dân chủ thì pháp luật phải được thượng tôn, điều đó đúng với mọi quốc gia dân chủ, không riêng gì Việt Nam.