Các thế lực thù địch sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, cách mạng Việt Nam. Hàng năm, Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) đều công bố bản Phúc trình toàn cầu, trong đó đưa ra những thông tin sai trái, phủ  nhận thành quả, bôi nhọ bức tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Bài viết nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch qua bản phúc trình hàng năm của HRW

* Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch

Theo dõi nhân quyền (Human rights Wacth-HRW) là một tổ chức phi chính phủ độc lập được thành lập từ năm 1978 với tên gọi ban đầu là tổ chức Helsinki. Tính tới năm 2022, tổ chức này đã có mặt ở khắp các khu vực trên thế giới bao gồm châu Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Á, Trung Đông, và Bắc Mỹ, và nước Mỹ1 với hơn 550 nhân viên. HRW hoạt động trên cơ sở đóng góp từ các nguồn tài trợ tư nhân mà không nhận tài trợ từ trực tiếp hay gián tiếp nào từ các chính phủ.

Mục đích hoạt động của HRW là nhằm theo dõi tình hình nhân quyền của các quốc gia trên thế giới thông qua đó tiến hành vận động, gây áp lực cho các chính phủ, các nhóm vũ trang, doanh nghiệp bằng hình thức “gọi mặt, chỉ tên” (naming and shaming) về các vấn đề nhân quyền mà HRW quan tâm. Cụ thể, HRW xác định hoạt động chính của mình là tiến hành điều tra, công bố công khai về thực trạng nhân quyền của các quốc gia hoặc một vi phạm nhân quyền cụ thể để tạo áp lực cho các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp nào đó, từ đó tổ chức này cho rằng mình có thể tạo ra “một thế giới nơi mọi người được đối xử công bằng và bình đẳng, bất kể chủng tộc, tôn giáo hay tín ngưỡng”2.

Hằng năm, trên cơ sở các quy định tại Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người 1948, HRW ra báo cáo về các vi phạm nhân quyền của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các chỉ trích, cáo buộc về vi phạm quyền con người của HRW đối với Việt Nam thường được HRW công bố dưới các hình thức như báo cáo thường niên, các thông cáo báo chí, tuyên bố, thư ngỏ… Nội dung chỉ trích của HRW thường tập trung vào các vấn đề như: phê phán chính phủ Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, tự do thực hành tôn giáo; chưa có biện pháp hiệu quả để xóa bỏ tình trạng bạo lực với một số nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em; tình trạng đàn áp người bất đồng chính kiến...

* Luận cứ đấu tranh phản bác

Thứ nhất, HRW là tổ chức có tôn chỉ hoạt động mang tính chất phê phán cao. Tổ chức này chỉ tập trung nhìn vào những điểm hạn chế về nhân quyền mà không có sự ghi nhận nỗ lực của các quốc gia. Điều này dẫn tới cách nhìn nhận cực đoan, phiến diện về bức tranh nhân quyền của Việt Nam

Thứ hai, sự phê phán của HRW đối với tình hình nhân quyền Việt Nam là không khách quan; những chỉ trích, nhận định mà tổ chức này đưa ra thường không dựa trên bằng chứng nghiên cứu và nguồn thông tin chính thống, chính xác mà là những thông tin mang tính áp đặt, chủ quan.

Thứ ba, mục đích, hoạt động của HRW đã không dựa trên tính phổ quát của quyền con người vì tổ chức này chủ yếu tập trung vào việc chỉ trích các quyền dân sự, chính trị - là nhóm quyền gắn với ý thức hệ của một số quốc gia phương Tây trong lịch sử, đặc biệt là cách tiếp cận của Mỹ. Hơn thế nữa, tổ chức này cũng bị chỉ trích là thiên vị vì không thiện chí với các quốc gia theo ý thức hệ khác với ý thức hệ của các nước tư bản. Có thể nói, dù HRW nhân danh là tổ chức bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn thế giới nhưng các hoạt động của tổ chức này lại không dựa trên các giá trị, nguyên tắc quan trọng của quyền con người là bình đẳng, tôn trọng, phổ quát.

 

1 Hiện nay HRW có trụ sở tại các quốc gia và thành phố sau: New York, Amsterdam, Beirut, Berlin, Brussels, Chicago, Geneva, Johannesburg, London, Los Angeles, Nairobi, Paris, Oslo, San Francisco, São Paulo, Silicon Valley, Sydney, Sweden, Tokyo, Toronto, Washington D.C., Zürich

2 https://www.hrw.org/impact