Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bình đẳng giới thời kỳ đổi mới?

Trả lời:

Bình đẳng giới là tình trạng không có sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính (về quyền, trách nhiệm và cơ hội). Nhờ đó, nam giới và nữ giới được tôn trọng ngang nhau, được tiếp cận các nguồn lực như nhau, được thụ hưởng thành quả như nhau, có cơ hội và điều kiện như nhau để nhận biết được quyền con người của mình và khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã chỉ rõ: “Nam nữ bình quyền” là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo về công tác phụ nữ. Cụ thể:

- Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”, mục tiêu nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho phong trào phụ nữ có những bước tiến mới và tăng số lượng, chất lượng cán bộ nữ trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội. Nghị quyết khẳng định: “phải xem giải phóng phụ nữ là một mục tiêu và nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

- Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”. Đảng ta xác định rõ: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống lại những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá cán bộ nữ”.

- Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW về công tác cán bộ nữ thì đến ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Việc ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW vào thời điểm sau 20 năm đổi mới, là sự tiếp tục và phát triển mang tính chính thể về tầm nhìn chiến lược và quyết sách chiến lược của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế thế giới. Nghị quyết đưa ra quan điểm: “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới... Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”. Mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW đề ra là: “Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực”. Đồng thời, Nghị quyết đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”.

- Thông báo số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 về kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới” tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Đề án thông qua việc triển khai một số giải pháp bảo đảm thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ và giảm khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao. Thông báo chỉ rõ: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân phải xác định công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và thường xuyên ở từng cấp, từng ngành”.

- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngày 20/01/2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” tiếp tục thực hiện có hiệu quả, bền vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về công tác phụ nữ đã nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), đồng thời tập trung giải quyết căn nguyên của những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, cụ thể hóa bằng việc định hướng chính sách phù hợp, khả thi, thiết thực cho các nhóm phụ nữ, quan tâm nhiều hơn đến cơ chế và giải pháp cụ thể.

- Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ” nêu rõ: “Đến năm 2030: Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%”.

- Trong Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đã nêu rõ cơ cấu và tỷ lệ cấp ủy viên nữ, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp như sau: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ... Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ tham gia cấp ủy khóa mới”.

- Mới đây nhất, ngày 14/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW  về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” cũng đã nêu rõ: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”.

Quan điểm chỉ đạo về bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt từ Đại hội VI đến Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới”. Đồng thời, “thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Đây chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng về công tác phụ nữ ở các kỳ đại hội trước, thể hiện sự tin tưởng, sự quan tâm của Đảng đối với lực lượng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.Hải Hà

----------------

(1), (2): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.169; tr.271.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 340.