Chính sách an sinh xã hội luôn là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Thành tựu bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam là rất đáng tự hào. Hòng chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch luôn phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Bài viết nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề an sinh xã hội.

* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch

Các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề an sinh xã hội tập trung ở các khía cạnh sau:

Một là, phê phán chính sách an sinh xã hội không phù hợp, không công bằng; quá trình triển khai thực hiện an sinh xã hội thiếu minh bạch. Có ý kiến cho rằng chính sách an sinh xã hội “là trách nhiệm của nhà nước, nó không phải là trách nhiệm của người dân”, “nhà nước rũ bỏ trách nhiệm lo an sinh cho dân”, “thực thi chính sách an sinh xã hội của các bộ thì đùn đẩy cho xã hội”, “Nhà nước cộng sản ưu tiên rất lớn cho ngành công an và xem nhẹ ngành y tế và giáo dục”, “chế độ an sinh của Việt Nam có chiều hướng thụt lùi”… 

Hai là, xuyên tạc thành tựu thực hiện chính sách an sinh xã hội của Việt Nam, đặc biệt là thành tựu xóa đói, giảm nghèo. Họ cho rằng những thành tựu đó là do Đảng, Nhà nước “tự vẽ lên”, thành quả thực hiện an sinh xã hội nếu có là chỉ “chui vào túi của bọn độc tài”, “không đem lại hạnh phúc cho người dân vì đảng vẫn độc tài lãnh đạo, độc quyền chính trị”; “đảng đang tàn lụi dần vì đã quá già và chậm tiến”; còn đất nước vẫn trong cảnh nghèo nàn, tụt hậu, đời sống của nhân dân còn rất khó khăn, người dân nghèo không được thụ hưởng thành quả lao động. Theo họ, “Tư bản “giãy chết” có quỹ an sinh xã hội để lo cho dân. Chủ nghĩa xã hội có quỹ “ăn xin xã hội” gửi ngân hàng lấy lãi”!.

* Luận cứ đấu tranh phản bác 

Một là, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam nhằm hướng tới bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, công bằng của người dân. Điều đó được thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã tập trung vào hai nhóm chính sách lớn là chính sách ưu đãi người có công và nhóm chính sách an sinh xã hội với bốn trụ cột chính là: Chính sách lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản. Để an sinh xã hội đi vào cuộc sống và người dân được hưởng thành quả từ thực hiện chính sách an sinh xã hội, những năm gần đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết thực hiện an sinh xã hội1 theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm sự trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”2. Điều 34 và khoản 2, Điều 59, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”; “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”3. Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Đảng ta cũng ban hành Nghị quyết Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Theo đó, hệ thống pháp luật và chính sách phát triển an sinh xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Điều đó cũng khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước luôn coi việc thực hiện an sinh xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, động lực để phát triển nhanh và bền vững trong các giai đoạn phát triển của đất nước.

Hai là, thực tiễn thực hiện chính sách an sinh xã hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực cho an sinh xã hội của đất nước ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động từ nhiều nguồn lực trong xã hội. Một số lĩnh vực đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, ưu đãi người có công, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... Vì vậy, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đã hoàn thành sớm các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Những luận cứ trên cho thấy, những lời rêu rao, xuyên tạc về thực hiện an sinh xã hội của các thế lực thù địch là vu khống, thiếu căn cứ và mang tính phản động, chống phá.

 

Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”; Nghị quyết số 20-NQ/TW,  ngày 25-10-2017 “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về công tác dân số trong tình hình mới;” Nghị quyết số
28-NQ/TW, ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.150.

3 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.25, 34.