Bình đẳng giữa các dân tộc là nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong xây dựng và thực thi chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách phát triển toàn diện, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Mặc dù vậy, các thế lực thù địch ra sức rêu rao rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số đang chịu bất bình đẳng dân tộc so với đồng bào đa số hòng phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta cần vạch rõ và phản bác những luận điệu vu khống, xuyên tạc của chúng

* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch

 “Bất bình đẳng dân tộc” là sự phân biệt, đối xử không ngang nhau giữa các dân tộc - quốc gia với nhau hoặc giữa các dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc. Ở Việt Nam, lợi dụng những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số; sự chênh lệch về mức độ phát triển kinh tế  - xã hội vùng dân tộc thiểu số so với các vùng khác, các thế lực thù địch, phản động ra sức rêu rao rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số đang chịu bất bình đẳng dân tộc so với đồng bào đa số. Những luận điệu sai trái, thù địch về vấn đề bất bình đẳng dân tộc được thể hiện trên những phương diện sau:

Một là, lợi dụng sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số cùng những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương, các thế lực thù địch đã xuyên tạc rằng, Đảng, Nhà nước đối xử không công bằng, chỉ chăm lo cho người Kinh mà không chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, khiến cho cuộc sống của đồng bào khó khăn, nghèo đói. Chúng còn lợi dụng những hiện tượng do lịch sử để lại để vu cáo Đảng, Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho người Kinh cướp đất của đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, đồng bào mới thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất và rơi vào tình trạng đói nghèo.

Hai là, các thế lực thù địch, phản động liên tục rêu rao rằng, đồng bào dân tộc thiểu số không được tham gia vào đời sống chính trị của đất nước bình đẳng như người Kinh. Các thế lực thù địch đã cố tình đánh tráo khái niệm, gọi một số dân tộc thiểu số tại chỗ như: đồng bào Chăm ở duyên hải miền Trung, đồng bào Khơme ở Tây Nam Bộ, đồng bào Ê đê, Ba Na ở Tây Nguyên là các “dân tộc bản địa” và rêu rao rằng, “các dân tộc bản địa này bị người Kinh cướp đất”, vì vậy phải tách ra thành lập nhà nước riêng để đòi lại những gì thuộc về mình.

Ba là, trước những thay đổi về văn hóa - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số theo hướng hiện đại, tiến bộ, các thế lực thù địch, phản động vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam không tôn trọng bản sắc, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, cố tình “đồng hóa về văn hóa” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo văn hóa người Kinh để “Kinh hóa đồng bào dân tộc thiểu số”. Trước những khó khăn y tế, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng rêu rao rằng, chính quyền của người Kinh “ngược đãi” đồng bào dân tộc thiểu số, không chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí ở vùng dân tộc thiểu số để “dễ bề cai trị”.

* Luận cứ đấu tranh phản bác

Một là, ở các vùng dân tộc thiểu số, cùng với những khó khăn về điều kiện địa lý, tự nhiên, môi trường là những hậu quả của chế độ phong kiến, thực dân để lại đã tạo ra sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng để rút ngắn khoảng cách chênh lệch này. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước rất chú trọng phát huy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.

Hai là, Đảng, Nhà nước luôn tạo cơ hội, điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xây dựng hệ thống chính trị, quản lý đất nước. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước rất chú trọng đến chính sách phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Ba là, “người bản địa” có nguồn gốc lịch sử gắn liền với thời kỳ chủ nghĩa đế quốc đi xâm chiếm, áp đặt sự thống trị ở các nước thuộc địa. Ở các nước đó có hai tầng lớp người: (1) những “quan cai trị” và những người di cư đến làm ăn có quan hệ mật thiết với bộ máy cai trị; (2) toàn bộ cộng đồng những người dân thuộc địa, bị thống trị được gọi là “người bản địa” hoặc “người bản xứ”. Ở Việt Nam, khi chế độ thực dân xâm lược bị đánh đổ thì khái niệm “người bản địa” cũng không còn cơ sở tồn tại. Đây là một sự thật lịch sử không thể bác bỏ. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm để giữ gìn, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, gắn với xây dựng đời sống văn hóa - xã hội mới tiến bộ ở vùng dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đồng bào dân tộc thiểu số đã giữ gìn, phát huy được các giá trị văn hóa - xã hội truyền thống và tiếp thu có chọn lọc ở bên ngoài các giá trị văn hóa - xã hội mới, tiến bộ; chứ không phải như luận điệu vu khống trắng trợn của các thế lực thù địch.