* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Thời gian qua, các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng về vấn đề đại đoàn kết dân tộc thể hiện trên những phương diện sau:
Một là, các thế lực thù địch xây dựng các tài khoản, blog, website, kênh Youtube, hội nhóm, trang tin điện tử đăng tải các nội dung như lợi dụng những vấn đề có tính lịch sử, cố tình lập lờ khái niệm “dân tộc bản địa” để đòi li khai tự trị, luật pháp hóa, quốc tế hóa những vấn đề dân tộc. Lợi dụng khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa tuyên truyền cho rằng Đảng “bỏ mặc” hay chỉ quan tâm người Kinh, không chăm lo cho dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo.
Hai là, ca ngợi hoạt động nhân đạo của các nhà “dân chủ”, “nhân quyền” tại các vùng dân tộc, vùng khó khăn về đời sống, kinh tế… để khoét sâu mâu thuẫn của người dân với chính quyền, với người Kinh. Livestream hoặc phát lại video, hình ảnh về giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra trên thực tế như phá rối an ninh, bạo loạn, biểu tình… để vu cáo chính quyền đàn áp nhân dân, đàn áp dân tộc, tôn giáo. Tạo lập website, tài khoản giả mạo trên mạng xã hội của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng… tung tin bịa đặt, kích động chia rẽ nội bộ, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo. Sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử và các trang mạng xã hội... tổng hợp tin tức từ các báo chính thống biên tập các thông tin xấu, độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái về đoàn kết dân tộc. Người dùng truy cập thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội dễ dàng bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin đó.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; không ngừng đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Thời gian qua, nước ta đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, động viên đồng bào phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ở khu dân cư, xây dựng bản làng văn hóa.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”1 (Điều 5); “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”2 (Điều 14).
Hai là, dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay luôn đoàn kết một lòng, cùng đánh đuổi ngoại xâm, cùng xây dựng, phát triển đất nước. Trong thực tế, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình xây dựng nông thôn mới, định canh, định cư, tạo việc làm cho lao động tại chỗ là đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào theo đạo. Đồng bào dân tộc, tôn giáo đều có thể tham gia quản lý, điều hành xã hội, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người dân tộc thiểu số, người có đạo. Do đó, lợi dụng “dân tộc”, “tôn giáo” tạo vỏ bọc gây ra các bất ổn chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc là âm mưu của các thế lực thù địch. Bản chất không thay đổi của chúng là những kẻ “bán nước, cầu vinh”, vì những “đồng tiền bẩn” mà làm nô lệ cho tổ chức khủng bố, phản động.
1, 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.10; 16-17.