* Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch
Thời gian qua, trên không gian mạng nổi lên một số quan điểm sai trái, thù địch về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Một là, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đưa ra các luận điệu cố tình dẫn dắt sai về nguồn gốc sự hình thành của kinh tế thị trường, coi kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, từ đó đồng nhất kinh tế thị trường với bản chất của chủ nghĩa tư bản, coi kinh tế thị trường là nền tảng của xã hội tư bản chủ nghĩa, không thể tương dung với chủ nghĩa xã hội.
Hai là, các thế lực thù địch sử dụng phương thức đánh đồng biểu hiện về các chủ thể trong nền kinh tế thị trường với điều kiện phát triển của kinh tế thị trường; đối lập chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường bằng lập luận rằng, chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng công hữu còn kinh tế thị trường dựa trên nền tảng tư hữu. Từ đó, phủ nhận tính tất yếu của sự phát triển kinh tế thị trường trong tiến trình tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, việc đồng nhất giữa kinh tế thị trường với bản chất của chủ nghĩa tư bản là sai lầm bởi lẽ kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao, nghĩa là, khi có sự hiện diện của các điều kiện cần và đủ cho kinh tế hàng hóa phát triển thì từ đó sẽ hình thành kinh tế thị trường. Hai điều kiện đó bao gồm: phân công lao động xã hội và sự tách biệt tương đối về kinh tế giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Các điều kiện này được thúc đẩy trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người, trong chủ nghĩa tư bản thì các điều kiện nêu trên được đẩy mạnh do sự phát triển lực lượng sản xuất của nhân loại. Vì vậy, người ta thường nhầm lẫn và đồng nhất sự phát triển của kinh tế thị trường và bản chất của chủ nghĩa tư bản. Đây là cách hiểu phiến diện và cố tình không hiểu thực chất cơ sở tồn tại và phát triển của kinh tế thị trường. Trong chủ nghĩa xã hội, các điều kiện về phân công lao động xã hội và sự tách biệt về mặt kinh tế giữa các chủ thể tất yếu tồn tại, do đó, kinh tế thị trường phát triển một cách khách quan ngay cả trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Cho nên không có sự đối lập nào giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường tự nó không dẫn tới xã hội xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng sẽ không đạt được nền tảng vật chất của xã hội chủ nghĩa nếu không phát triển kinh tế thị trường.
Hai là, trong nền kinh tế thị trường, tồn tại khách quan đan xen giữa nhiều chủ thể kinh tế, kinh tế tư nhân cũng là một chủ thể (đa dạng, chiếm đa số) mà không phải là thuần khiết chỉ có kinh tế tư nhân. Trong mọi thể chế kinh tế thị trường của các quốc gia, đều có sự hiện diện của nhiều loại hình chủ thể kinh tế khác nhau. Mức độ và vai trò của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của quốc gia đó, ở những hoàn cảnh lịch sử cụ thể quy định. Vì vậy, việc khẳng định chủ nghĩa xã hội chỉ thuần nhất công hữu và chủ nghĩa tư bản chỉ thuần nhất tư hữu là sai lầm. Cho nên không thể căn cứ vào biểu hiện để đối lập giữa định hướng xã hội chủ nghĩa xã hội với kinh tế thị trường.