Đạo Tin lành xuất hiện ở Nghệ An vào năm 1928, đến năm 1933 thành lập chi hội, năm 1936 xây dựng nhà thờ Cầu Nại (thành phố Vinh). Năm 1952, do chiến tranh, nhà thờ bị bỏ hoang, chức sắc và tín đồ ly tán, chỉ còn một số người sinh hoạt tại nhà riêng. Từ thập niên 1990, đạo Tin lành dần trở lại Nghệ An, Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc) nhiều lần xin phục hồi nhà thờ tại thành phố Vinh nhưng chưa được chấp thuận. Năm 1994, một số người Mông di cư sang Lào đã theo đạo Tin lành, trở về xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (cũ) hoạt động truyền đạo Tin lành trái phép; có thời điểm trên địa bàn có đến 48 hộ, 331 khẩu người Mông theo đạo Tin lành[1].
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện nhiều điểm truyền đạo Tin lành trái phép tại các xã vùng núi như Na Ngoi, Tam Hợp, Tri Lễ, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Hoạt động đạo Tin lành thâm nhập trái phép vào vùng dân tộc Mông ở Nghệ An chủ yếu qua các kênh phát thanh tiếng Mông ở nước ngoài, Internet, cùng một vài trường hợp người Mông sang Lào thăm thân rồi về truyền đạo. Từ đó, xuất hiện thêm điểm truyền đạo Tin lành trái phép ở một số địa bàn miền núi, vùng biên. Phần lớn người dân theo đạo Tin lành trên địa bàn chủ yếu do các đối tượng truyền đạo từ Tây Bắc, Tây Nguyên lôi kéo với lý do chữa bệnh, thoát nghèo, giải quyết khó khăn, xóa bỏ tập tục lạc hậu… Bên cạnh các thủ đoạn gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý con người để “thao túng”, hướng người dân nghe, tin theo, qua các buổi sinh hoạt, các tổ chức tôn giáo trái phép đã lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan để trục lợi, hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, vi phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận người dân…
Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các lực lượng triển khai các biện pháp nắm bắt tình hình, tuyên truyền, ngăn chặn truyền đạo Tin lành trái pháp luật trong cộng đồng người Mông. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2022, các hoạt động truyền đạo Tin lành trái phép trong cộng đồng người Mông cơ bản được kiểm soát, số lượng người tham gia giảm, không còn sinh hoạt tập trung.
Tuy nhiên, từ tháng 7/2023, hoạt động truyền đạo đạo Tin Lành trái phép có dấu hiệu tái diễn. Chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động chấm dứt, song các đối tượng vẫn duy trì sinh hoạt, thậm chí công khai tại gia đình. Đáng chú ý, Hội thánh Tin lành Miền Bắc còn gửi hồ sơ xin đăng ký điểm nhóm sinh hoạt đến ủy ban nhân dân xã.
Trước tình hình tôn giáo diễn biến phức tạp, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã quán triệt sâu sắc quan điểm, nguyên tắc về công tác tôn giáo, triển khai phương châm “chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, khoanh vùng, ngăn chặn hiệu quả”, trong đó lấy tuyên truyền, vận động quần chúng làm trọng tâm. Các lực lượng chức năng đã phối hợp đánh giá thực trạng, dự báo tình hình và đề xuất giải pháp xử lý đúng pháp luật, tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đồng bào Mông, đặc biệt là những người hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường cán bộ là người dân tộc Mông, có uy tín, về bám địa bàn, thực hiện phương châm “4 cùng, 4 nắm”; phối hợp với già làng, trưởng bản để vận động, cảm hóa từng trường hợp, giúp họ thay đổi nhận thức, trở lại với phong tục truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dân vận, duy trì hiệu quả mô hình quân - dân y kết hợp, tổ chức thăm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho đồng bào theo đạo, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ vướng mắc, kết hợp giáo dục, giải thích những tác động tiêu cực của việc sinh hoạt tôn giáo trái phép đến văn hóa, truyền thống của dân tộc Mông và quy ước cộng đồng.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng và công an, hoạt động truyền đạo Tin lành trái phép trong cộng đồng người Mông tại tỉnh Nghệ An đã được kiểm soát hiệu quả, số vi phạm giảm rõ rệt: Tại xã Tri Lễ số hộ theo đạo giảm từ 7 hộ (42 khẩu) xuống còn 3 hộ (17 khẩu); tại xã Tam Hợp số hộ theo đạo giảm từ 7 hộ (55 khẩu) xuống còn 5 hộ (43 khẩu); tại xã Na Ngoi đã tăng cường kiểm soát, không để phát sinh người tham gia đạo[2]. Chính quyền cũng đã ban hành văn bản không chấp thuận hoạt động nhóm Tin lành tập trung do không đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn các đối tượng bên ngoài xâm nhập phát tán tài liệu truyền đạo trái phép; tăng cường giám sát, chủ động phòng ngừa việc lôi kéo người dân có hoàn cảnh khó khăn vào các hoạt động tôn giáo trái phép.
Ảnh: Những ngôi nhà lớp mái gỗ samu của người Mông tại Nghệ An (Nguồn: Sách Nguyễn, Báo Quân đội nhân dân)
Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng công tác quản lý, ngăn chặn truyền đạo Tin lành trái phép ở Nghệ An vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như: Hoạt động sinh hoạt đạo Tin lành trái pháp luật tại một số khu vực miền núi chưa được xử lý dứt điểm; các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo; lợi dung mạng xã hội để truyền bá, kích động, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật, gây mất ổn định an ninh trật tự; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn một số phong tục, tập quán lạc hậu.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn hoạt động truyền đạo Tin lành trái phép trong cộng đồng người Mông nói riêng, các dân tộc thiểu số tại Nghệ An nói chung, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động đạo Tin Lành trái pháp luật. Cần tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. Phát huy vai trò của hệ thống giáo dục, thông tin ở cơ sở, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để nâng cao nhận thức của người dân.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở góp phần đấu tranh, ngăn chặn hoạt động đạo Tin lành trái pháp luật. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là tại các thôn, bản có đồng bào theo đạo Tin lành. Đồng thời, hoàn thiện hương ước, quy ước theo hướng phát huy giá trị văn hóa truyền thống, loại bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu gây tốn kém, ảnh hưởng đến đời sống. Cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái pháp luật, huy động sức mạnh toàn xã hội. Song song đó, đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên hạ tầng thiết yếu ở vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện ổn định đời sống và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Ba là, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang địa phương, đặc biệt là bộ đội biên phòng và công an trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động đạo Tin lành trái pháp luật. Phát huy vai trò của bộ đội biên phòng; tăng cường Phó Bí thư Đảng ủy xã, đảng viên sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn, bản và đảng viên đồn biên phòng phụ trách phát triển kinh tế hộ gia đình trong công tác tuyên truyền, vận động. Thực hiện tốt phương châm “4 cùng, 4 nắm” để dự báo sát tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu liên quan đến hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo Tin lành trái pháp luật./.
[1] Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn truyền đạo trái phép, https://baonghean.vn/kien-quyet-kien-tri-ngan-chan-truyen-dao-trai-phep-bai-i-nhan-dien-dung-tinh-hinh-10283691.html
[2] Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động truyền đạoTin lành trái pháp luật ở khu vực biên giới đất liền tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2024-2030”, năm 2024.