Tên sách: Phản Triết Học Nhập Môn
Tác Giả: Gen Kida
Năm Xuất Bản: 2019
Số Trang: 320
Nhà Xuất bản: NXB Hồng Đức

Tôi học “triết học", rồi giảng dạy “triết học tại trường đại học, nhưng vẫn cho rằng công việc suy tư, nghiên cứu của bản thân hoàn toàn khác biệt, về bản chất, với phương thức suy tư theo "triết học" truyền thống của môi trường văn hóa phương Tây. Thỉnh thoảng có người chỉ ra rằng Nhật Bản không có triết học, tôi hoàn toàn tán thành quan điểm đó. "Triết học", suy cho đến chỗ tận cùng, chỉ là phương thức suy tư phản tự nhiên của môi trường văn hóa phương Tây mà thôi. Cho nên, nếu cần phân biệt sự bất đồng giữa hai điểm đó thì tôi cho rằng: công việc mà tôi đang làm là phê phán “triết học” tức vượt qua phương thức suy tư phản tự nhiên đó. Có thể gọi đó là “phản triết học”. Suy ngẫm cho thật kỹ, ta sẽ thấy các tư tưởng gia châu Âu kể từ thời kỳ Nietzsche, tức từ khoảng nửa sau thế kỷ 19, đều có những biểu hiện tư tưởng mà tôi vừa gọi là “ phê phán triết học" hay “phản triết học" đó. Cũng có người trực tiếp để xuất khái niệm “ Phản triết học ”. - GEN KIDA

Theo tác giả, “phản triết học” ở đây không có nghĩa là hủy bỏ triết học, mà là đưa triết học trở về uyên nguyên chân chính của nó trong cõi tư tưởng Hy Lạp ban sơ. Ở cõi đó, những ai đã từng tiếp xúc được với các trang cổ lục phương Đông ngay từ buổi ban đầu đọc sách, nhất là kinh điển Phật giáo, có thể tìm được một đôi điều tương cảm, và có thể có cơ duyên nghe ra sự tương ứng giữa cõi tư tưởng Hy Lạp uyên nguyên với “pháp nhĩ tự nhiên” trong cõi đạo sơ thủy phương Đông.

"Phản triết học nhập môn" cũng là một tác phẩm trình bày lịch sử triết học phương Tây từ sơ thủy đến hiện đại một cách đơn giản mà súc tích, bằng một loại ngôn ngữ tương đối bình dị, giúp ta có thể nắm bắt được phần nào cốt lõi của triết học phương Tây mà không phải rơi vào cái mê cung ngôn ngữ của một số biên khảo sách triết học phương Tây với những ngôn từ đầy rối rắm, và hoàn toàn xa lạ với phương thức suy tư phương Đông.

“Phản triết học”, như một làn gió mát, giúp ta nếu có tìm đến với triết học thì cũng tìm đến với triết học bằng một tinh thần khác, nhìn triết học bằng một đôi mắt khác. Và nếu như không hiểu gì về môn triết học quá đỗi cao xa kia thì chúng ta cũng có thể thấy thoải mái mà mỉm cười, tự nhủ: “Không hiểu được triết học cũng chẳng có chi mô quan trọng, vì suy cho cùng nó cũng chỉ là phương thức suy tư riêng biệt của xứ sở châu Âu”. Là người phương Đông, chúng ta hãy để môn triết học cao xa đó cho người khác, đừng bận tâm chi tới triết thuyết này, chủ nghĩa nọ, mà cứ việc thong dong theo Tăng Điểm : “Mộ Xuân giả, xuân phục ký thành, quán giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy.” (Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người trạc độ hai mươi tuổi, sáu bảy đứa trẻ con: rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ Vu, rồi ca hát mà về. - Trần Trọng Kim dịch)!

Huỳnh Ngọc Chiến
-----

Tác giả Mộc Điền Nguyên 木田元, hay Gen Kida, (1928 - 2014) là một nhà nghiên cứu triết học nổi tiếng của Nhật Bản, chuyên về hiện tượng học. Ông tốt nghiệp khoa Triết học của Đại học Đông Bắc Nhật Bản, sau là giáo sư danh dự của Đại học Trung ương Nhật Bản. Ông được nhiều độc giả biết đến với những bản dịch dễ hiểu về các tác phẩm của các triết gia phương Tây hiện đại như Martin Heidegger, Edmund Husserl, Merleau - Ponty. Sau Thế chiến II, ông phải bươn chải kiếm sống bằng cách buôn bán ở chợ đen, điều đó cũng trở thành giai thoại. Các tác phẩm chính của ông bao gồm: Hiện tượng học, Lịch sử phản triết học, Tư tưởng của Heidegger, Tư tưởng của Merleau-Ponty, Nietzsche chơi dương cầm, Triết lý có ích gì trong cuộc sống hay không, v.v... Ông nghỉ hưu năm 1999 và trở thành giáo sư danh dự. Vào ngày 16 tháng 8 năm 2013, ông qua đời vì bệnh viêm phổi tại một bệnh viện ở thành phố Funabashi.

Tổng hợp từ Internet