Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghiệp văn hóa đang trở thành một lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam, với tầm nhìn chiến lược và nhận thức sâu sắc, đã từng bước khẳng định vai trò của công nghiệp văn hóa trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đặc biệt là trong các nghị quyết, văn kiện chính trị từ năm 1986 đến nay.
"Anh trai vượt ngàn chông gai" - chương trình có sự đột phá trong cách sáng tạo và thể hiện. Ảnh: nhandan.vn
Công nghiệp văn hóa là quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ và kỹ năng kinh doanh, sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước (kể từ năm 1986 đến nay), trong văn kiện các kỳ đại hội Đảng, văn kiện các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành 02 nghị quyết chuyên đề về văn hóa, đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Trong Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, Đảng ta đã nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa… Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế” (1). Mặc dù Nghị quyết số 03-NQ/TW chưa đề cập đến thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” nhưng đã nêu lên những nội dung quan trọng và giải pháp có ý nghĩa tiền đề cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta, đó là: nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa; xây dựng cơ chế kinh doanh, dịch vụ văn hóa theo hướng kinh tế thị trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động văn hóa; đẩy mạnh sự sáng tạo, tăng cơ hội tiếp cận của người dân với các sản phẩm văn hóa.
Các nghệ sĩ đàn tỳ bà ra MV đón xuân. Ảnh: nhandan.vn
Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (năm 2006) đã cho thấy những điểm mới trong nhận thức của Đảng về vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Đó là sự khẳng định các hoạt động văn hóa không chỉ mang tính chất sự nghiệp mà còn mang tính kinh doanh. Sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực văn hóa được khuyến khích phát triển, thị trường văn hóa bước đầu được thừa nhận những sản phẩm văn hóa được lưu thông theo cơ chế thị trường. Tại Hội nghị này, thuật ngữ “doanh nghiệp văn hóa” được đưa ra và nhấn mạnh giải pháp: “Phát triển các doanh nghiệp văn hóa đủ khả năng đứng vững trong cơ chế thị trường, đạt được hiệu quả văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ”.
Đến ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” một lần nữa khẳng định sự tồn tại của thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa (cụ thể là các sản phẩm văn học, nghệ thuật). Đây chính là những điều kiện cơ bản cho sự xuất hiện của ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta. Nghị quyết nhấn mạnh: “Các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật phát triển khá mạnh đã đưa được nhiều sản phẩm đến với công chúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Đã hình thành một thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật ở trong nước; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế trong thời kỳ mới”.
Nhà thiết kế giới thiệu bộ sưu tập áo dài. Ảnh: nhandan.vn
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn hóa, đó là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết đã đề cập đến việc xây dựng thị trường văn hóa và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.
Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”(2).
Công nghệ hỗ trợ trong nghệ thuật, tại Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025. Ảnh: nhandan.vn
Như vậy, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về vai trò của văn hóa khi khẳng định sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm “công nghiệp văn hóa” mới được chính thức nêu ra trong văn kiện của Đảng.
Đại hội lần thứ XII của Đảng (năm 2016) một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa” (3) và được coi là một trong những khâu đột phá trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đến ngày 04/6/2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Kết luận đã nhấn mạnh: “Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa”. Đồng thời, Kết luận tiếp tục khẳng định: “… phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tạo nhận thức sâu sắc của toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa… tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa. Có giải pháp đồng bộ, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”.
"Đào, Phở và Piano", bộ phim có sử dụng công nghệ. Ảnh: nhandan.vn
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” (4).
Có thể thấy, quá trình đổi mới đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy lý luận và định hướng chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển công nghiệp văn hóa. Từ chỗ chỉ đề cập gián tiếp đến tiềm năng kinh tế của văn hóa, đến nay, công nghiệp văn hóa đã trở thành một mục tiêu chiến lược rõ ràng, gắn liền với phát triển bền vững đất nước. Đảng ta đã xác định rõ vai trò của công nghiệp văn hóa không chỉ trong việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây chính là nền tảng để phát triển văn hóa thành một ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.
-------------
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nôi, 1998, tr.55.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.56
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 130
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập I, tr.145.