Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc1.
Trong suốt cuộc đời của mình Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới. Sau đây là trích yếu những chỉ dẫn của Người về vấn đề này.
1. Về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn
“Việt Nam ta là một nước nông nghiệp. Muốn phát triển kinh tế, nhất định phải lấy nông nghiệp làm nền tảng. Nông nghiệp phát triển tốt mới có thể cung cấp đầy đủ nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ cho công nghiệp và nâng cao đời sống của nhân dân”2.
2. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới
“Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới”3.
“Ở nông thôn, ngoài lợi ích của nông dân, Đảng và Chính phủ không có lợi ích nào khác.
Lợi ích của nông dân và lợi ích của Nhà nước là nhất trí. Nước mạnh thì dân giàu.
Nước ta là một nước nông nghiệp. Đại đa số nhân dân là nông dân. Để xây dựng nước nhà, một phần lớn lực lượng cũng do nông dân đóng góp. Sự đóng góp của nông dân trở lại phát triển lợi ích của nông dân”4.
“Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyền Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới”5.
“… đưa nông thôn miền Bắc nước ta đến chỗ ấm no, sung sướng và góp phần quan trọng xây dựng công nghiệp nước nhà”6.
“… mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”7.
“Xã hội miền Bắc ngày nay là xã hội của những người lao động làm chủ tập thể, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống mới cho mình và cho con cháu muôn đời mai sau”8.
3. Nội dung xây dựng nông thôn mới
- Xây dựng nông thôn mới chính là đổi mới xã hội nông thôn, “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, các làm việc”9.
- “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”10.
- “Siêng làm là một trong bốn điều đời sống mới”11.
- “Tăng gia sản xuất tức là một bộ phận trong đời sống mới. Có tinh thần đời sống mới, thì tăng gia sản xuất mới chóng thành công. Mà tăng gia sản xuất có thành công, thì đời sống mới dễ thực hiện”12.
- “… tăng gia sản xuất và đời sống mới phải đi đôi với nhau, không thể lìa nhau”13.
- “Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”14.
“Về đời sống vật chất, phải làm sao cho ai nấy đều ăn no, mặc ấm, có nhà ở cao ráo, có đường sá sạch sẽ. Giữ gìn vệ sinh ở nông thôn là điều rất quan trọng.
Về đời sống văn hóa thì xóa nạn mù chữ, thực hiện bổ túc văn hóa, rồi học lên nữa. Xã viên ít nhất phải học lớp 3, lớp 4. Cán bộ và thanh niên ít nhất phải học lớp 5, lớp 6. Bà con cần cố gắng học văn hóa. Vì có văn hóa thì mới quản lý hợp tác xã được tốt.
Đồng bào nông dân làm ăn cả năm vất vả, khó nhọc, phải có lúc nghỉ ngơi, giải trí. Cần tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Để đạt mục đích trên, phải làm sao cho được mùa, vì “có thực mới vực được đạo”.
Muốn được mùa phải sản xuất tốt”15.
Chủ thể xây dựng nông thôn mới
“Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân”16.
“Nông dân đã trở nên chủ nhân ở nông thôn”17.
“Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân. Nhân dân làm chủ nước nhà. Nông dân làm chủ nông thôn”18.
3. Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới
3.1. Giải pháp về tuyên truyền, nêu gương
- “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương”19.
“Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc. Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới”20.
“Tất cả cán bộ từ tỉnh đến xã và cán bộ hợp tác xã phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, phải chí công vô tư, chăm nom cho hợp tác xã tiến bộ như tấm lòng yêu mến của người mẹ đối với con”21.
“Toàn thể đảng viên ở nông thôn phải làm gương mẫu”22.
“Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”23.
“Các cán bộ từ làng đến tỉnh và kỳ phải hăng hái tuyên truyền cổ động và định kế hoạch cho thích hợp với địa phương mình. Nhất là phải cố gắng làm kiểu mẫu”24.
- “… phải dùng nhiều thứ tuyên truyền cổ động để thúc đẩy tăng gia sản xuất”25.
“Tất cả các ngành (tuyên truyền, văn hóa, mậu dịch, ngân hàng...) đều phải làm tròn nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp. Muốn phục vụ tốt, phải đi sát với nông thôn”26.
“Người nông dân xã viên nói chung là người nông dân tiên tiến, đi đầu cắm ngọn cờ hồng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn”27.
“Tất cả đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, chiến sĩ thi đua ở nông thôn hãy phấn khởi tiến lên hàng đầu của phong trào đổi công, hợp tác, lập thành tích lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp!”28
3.2. Giải pháp về xây dựng chi bộ ở nông thôn
“Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt. Muốn vững mạnh, thì tất cả đảng viên trong chi bộ phải thật thà đoàn kết nhất trí”29.
“… đã là đảng viên thì đều chung một lập trường giai cấp, lập trường của Đảng. Tất cả đều phải thật sự đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực, lãnh đạo nông thôn thi hành cho đúng chính sách của Đảng và Chính phủ. Chi bộ thật thà đoàn kết nhất trí thì lãnh đạo được nông thôn đoàn kết nhất trí”30.
“Cần phải ra sức củng cố chi bộ ở nông thôn. Chi bộ tốt thì ban quản trị mới tốt. Ban quản trị tốt thì xã viên mới đoàn kết và hăng hái sản xuất, hợp tác xã mới củng cố và phát triển tốt”31.
“Cho nên cái gốc trong việc lãnh đạo hợp tác xã vẫn là chi bộ đảng ở cơ sở. Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã”32.
“Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã”33.
3.3. Giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau
- “Công việc làm ăn thì có nghề làm ruộng, nghề thủ công và nghề buôn bán. Phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Tốt nhất là tổ chức hợp tác xã, thì nghề nào cũng dễ tăng gia sản xuất. Vì nhiều người đông sức, thì tốn thì giờ ít, mà kết quả nhanh hơn, nhiều hơn.
Về văn hoá, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân.
Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng "phong thuần tục mỹ".
Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt.
…. Nói tóm lại, về tổ chức, về sản xuất, về vệ sinh, về văn hoá, về kháng chiến, việc gì làng mình cũng có thể làm kiểu mẫu cho các làng xung quanh. Muốn như thế, một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng. Như vậy, ai cũng hăng hái. Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế”34.
“Nay nông dân lao động đã được chia ruộng đất, đã làm chủ nông thôn, đời sống đã được cải thiện, nhưng chưa đủ. Thế thì phải làm thế nào?
Phải tổ chức nhau lại. Có tổ chức để tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thì của cải chúng ta ngày càng nhiều, đời sống càng được cải thiện. Phải tổ chức để thi đua, thi đua để tăng gia sản xuất và phải biết tiết kiệm, sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”35.
3.4. Giải pháp phát triển nông nghiệp
“… nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay, cho nên cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác”36.
“Trước hết ta cần nhận rõ mục đích của việc tổ chức hợp tác xã là gì? Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đó là mục đích riêng và mục đích chung của việc xây dựng hợp tác xã”37.
“Các hợp tác xã nông nghiệp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải trở thành những đội quân vững mạnh của mười mấy triệu nông dân lao động trong công cuộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giáo dục tư tưởng và xây dựng nông thôn phồn thịnh của nước ta”38.
“… cần phải làm cho hợp tác xã thu nhập tăng lên, đời sống cải thiện, hăng hái làm ăn, đoàn kết vui vẻ”39.
“Nông thôn tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm thì ngày càng giàu có. Nông thôn giàu có sẽ mua nhiều hàng hóa của công nghiệp sản xuất ra. Đồng thời, sẽ cung cấp đầy đủ lương thực, nguyên liệu cho công nghiệp và thành thị. Như thế là nông thôn giàu có giúp cho công nghiệp phát triển. Công nghiệp phát triển lại thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh hơn nữa. Công nghiệp, nông nghiệp phát triển thì dân giàu, nước mạnh”40.
“Mọi người biết rằng mức sống với sản xuất là như thuyền với nước. Nước cao thì thuyền mới lên cao. Sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ thì đời sống mới được cải thiện, không có cách nào khác”41.
3.5. Giải pháp về thi đua
“Ở nông thôn, nông dân phải thi đua sản xuất lúa gạo. Sản xuất tăng thì mức sống sẽ được nâng cao. Muốn ăn quả thì trước phải chịu khó trồng cây”42.
3.6. Đổi mới bộ mặt nông thôn, bảo vệ môi trường
“Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà: Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất là năm cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột). Và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre.
Ủy ban hành chính và chi bộ phải đặt kế hoạch chung cho mỗi xã, mỗi xóm, phải đôn đốc và kiểm tra để đảm bảo trồng cây nào tốt cây ấy, v.v..
Làm như vậy, thì trong bốn hoặc năm năm nữa sẽ có đủ tre gỗ để làm nhà và nông thôn sẽ trở nên xinh xắn và vui tươi, xứng đáng là nông thôn xã hội chủ nghĩa”43.
“Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng”44.
“… ngoài những lợi ích khác, Tết trồng cây là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nay mai”45.
“Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao, chẳng có hàng lối gì. Có phải thế không? Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng. Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu? Khi trước nhà nào lo làm nhà nấy, làm thế nào cũng được. Nhưng bây giờ không phải như thế. Bây giờ mình phải đổi mới nông thôn. Nông thôn mình phải quang đãng sạch sẽ”46.
“Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây. Cây ăn quả, cây làm củi, cây công nghiệp cũng là nguồn lợi to lớn. Cũng nên ra sức trồng cây để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn”47.
3.7. Kế hoạch, chính sách từ Chính phủ
“Chính phủ cần phải chuẩn bị kế hoạch xây dựng nông thôn mới và kiểu mẫu xây dựng nhà cho nông dân làm theo”48.
“Từ Phủ Thủ tướng đến Ban Công tác nông thôn của Đảng, đến các Bộ Nông nghiệp, Thủy lợi, Lâm nghiệp, Công nghiệp, Thương nghiệp, Tài chính, Ngân hàng, v.v. đều phải có kế hoạch phục vụ nông nghiệp, giúp nông dân, hợp tác xã phát triển sản xuất”49.
3.8. Xây dựng hợp tác xã
“… phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã vì hợp tác xã là lực lượng chính ở nông thôn. Mục đích tổ chức hợp tác xã là để tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là của nông dân. Thế là vừa lợi riêng cho nông dân và lợi chung cho Nhà nước, hai cái lợi đó đi đôi với nhau. Vì vậy, phải củng cố hợp tác xã”50.
3.9. Phát triển ngành nghề phụ
“Phải tăng gia sản xuất tốt, phải làm cho xã viên tăng thu nhập. Phải quản lý lao động, quản lý sản xuất, quản lý tiền của cho tốt. Các hợp tác xã cần có nội quy cụ thể, do toàn thể xã viên bàn bạc đề ra hợp với tình hình thực tế của mỗi hợp tác xã và tự nguyện tự giác thực hiện tốt nội quy ấy. Ngoài việc sản xuất lúa là chính, các hợp tác xã phải chú trọng làm thêm các việc khác, như chăn nuôi, thả cá, trồng cây công nghiệp và làm các nghề phụ, v.v., vì đó là những nguồn lợi để tăng thu nhập cho xã viên”51.
“Các địa phương cần chú ý tổ chức kinh doanh nghề phụ trong các hợp tác xã như nuôi cá, dệt vải, làm gạch, lấy gỗ, củi... để tăng thu nhập cho các xã viên, tránh tình trạng ở một số nơi bỏ mất nghề phụ. Nhưng mặt khác chớ nên vì nghề phụ thu nhập có phần cao mà xao lãng nghề nông, lúc cần tát nước, bỏ phân thì không tát nước, bỏ phân mà đổ xô đi làm nghề phụ. Cần chú ý cả hai mặt nghề nông và nghề phụ, nhưng nghề nông vẫn là chính. Việc phân phối thu nhập của nghề nông và nghề phụ cũng cần làm cho hợp lý để người làm nghề nông không bị thiệt, mà người làm nghề phụ cũng được hưởng thụ một cách thích đáng để khuyến khích được bà con làm nghề phụ”52.
3.10. Giữ vững hòa bình, ổn định là tiền đề để xây dựng nông thôn mới
“Nhân dân ta cần có hòa bình để xây dựng đời sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chính vì vậy mà chúng ta phải ra sức đẩy mạnh sản xuất, luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc”53.
Thiên Hương
(1) Nguyễn Hồng Minh, Lê Thu Hồng: “Xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 16/04/2023.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.631.
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.113.
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.516.
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, “Đời sống mới”, tr.111.
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.262.
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.172.
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.275.
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.113.
(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.112-113.
(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.114.
(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.116.
(13) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.116.
(14) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.117.
(15) Hồ Chí Minh: Sđd, t.13, tr.218.
(16) Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.56.
(17) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.240.
(18) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.516.
(19) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.125.
(20) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.240.
(21) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.349-350.
(22) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.353.
(23) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.126.
(24) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.128.
(25) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.149.
(26) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.397.
(27) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.357.
(28) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.262.
(29) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.504.
(30) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.506.
(31) Hồ Chí Minh: Sđd, t.13, tr.164.
(32) Hồ Chí Minh: Sđd, t.13, tr.222.
(33) Hồ Chí Minh: Sđd, t.13, tr.282
(34) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.119-120.
(35) Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.414.
(36) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.413.
(37) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.316.
(38) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.420.
(39) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.318.
(40) Hồ Chí Minh: Sđd, t.13, tr.212.
(41) Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.139.
(42) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.204.
(43) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.226-227.
(44) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.230.
(45) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.536.
(46) Hồ Chí Minh: Sđd, t.13, tr.255.
(47) Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.446.
(48) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.226.
(49) Hồ Chí Minh: Sđd, t.13, tr.220.
(50) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.474-475.
(51) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.349.
(52) Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.317.
(53) Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr.372.